Làng dân tộc Dao

Làng dân tộc Dao - Khu các làng dân tộc I - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Người Dao dù ở địa bàn nào cũng đều có điểm chung: thích ở những nơi khuất gió, cao ráo, có bãi để chăn nuôi, gần rừng để kiếm chất đốt, thực phẩm và đặc biệt, gần nguồn nước là điều kiện quan trọng nhất.

Không gian làng dân tộc Dao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhà đất người Dao gồm năm gian. Hai gian đầu hồi có cùng kích thước, ba gian giữa kích thước khác nhau. Bộ khung nhà với kiểu vì kèo hai cột ngoãm. Mái lợp tranh, xung quanh che bằng vách nứa. Phần nhà phía sau dành cho các phòng ngủ hoặc đặt giường. Bàn thờ tổ tiên đặt ở vị trí trung tâm nhà và bao giờ cũng gần nơi dành cho người chủ nhà. Nhà thường có hai bếp là bếp chính và bếp phụ dành cho khách về mùa lạnh. Có hai loại bếp là bếp kín (bếp lò) và bếp hở (bếp có ba hòn kê hoặc kiềng). Nhà có bốn cửa ra vào, thường không có cửa sổ.

Một góc nhìn về Làng dân tộc Dao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Đối với nhà nửa sàn nửa đất: nhà gồm bốn gian, bộ khung đơn giản, cột ngoãm, mái lợp tranh, xung quanh nhà che vách nứa, có ba cửa ra vào, hai cửa ở đầu hồi, một cửa ở mặt trước nhà. Nửa nhà thuộc phần nền đất có ba phòng nhỏ, nửa nhà thuộc phần sàn, trong đó, một nửa bên phải dành cho khách nam, còn nửa bên trái, thuộc gian đầu hồi là sàn để nước, trên sàn có thùng gỗ lớn để chứa nước.
Gần đây, ở những người Dao đã định canh, định cư và làm ruộng nước ở vùng thấp lại ở nhà sàn. Còn loại hình nhà nửa sàn nửa đất chủ yếu ở những người Dao sống bằng nương rẫy du canh và trên nền đất dốc. Nhà dựa vào sườn núi và có thêm sàn thay cho giường nằm. Nhà nửa sàn nửa đất là một biến dạng của nhà đất để thích ứng với điều kiện sản xuất du canh và cư trú trên nền đất dốc.

Người Dao rất kiêng kị làm nhà nối tiếp nhau mà đòn dông cùng trên một đường thẳng. Khi nhà dựng chưa xong hoặc xong rồi nhưng chưa làm lễ lên nhà mới mà nghe thấy tiếng sấm thì phải dỡ ra chờ đến một ngày tốt phải dựng lại.

TTD