Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Quý khách được trải nghiệm ở nhà sàn truyền thống, sinh hoạt cùng với đồng bào các dân tộc, thưởng thức những món ăn truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên, sản vật núi rừng. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị, là cơ hội để du khách cảm nhận được vẻ đẹp cũng như phong tục tập quán và nếp sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Nhà sàn dân tộc Chăm
Nhà sàn với kiến trúc giản dị, không gian thoáng mát, yên tĩnh, mộc mạc mang cảm giác an lành, thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc, thích hợp để du khách trải nghiệm và nghỉ ngơi. Ngôi nhà được dựng nên hoàn toàn từ những vật liệu thuần tự nhiên như: Gỗ, mây, giang, tre nứa, mái nhà được lợp bằng lá cọ hoặc cỏ tranh; bước vào bên trong ngôi nhà sàn mang lại cảm giác ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Tùy thuộc vào kiến trúc nhà sàn truyền thống của từng dân tộc, mỗi nhà sàn có sức chứa khác nhau.
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chúng tôi có hệ thống các nhà sàn nổi bật đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách như:
Nhà sàn dân tộc Chăm nằm trong khuôn viên Làng III. được thiết kế dạng nhà sàn, là nhà ở với 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và các con. ồm 2 nhà chính, liên hệ với nhau qua 1 không gian chung là kho. Mỗi nhà đều có hiên nhà riêng, có mái làm theo kết cấu gỗ, trên lợp ngói vẩy cá. Hiên nhà đều có lan can làm bằng song gỗ. Toàn bộ 2 nhà được làm theo kết cấu cột, vì kèo gỗ. Một đặc trưng dễ nhận thấy của nhà Chăm An Giang là vách bao che được làm bằng gỗ liên kết phía ngoài hệ cột, đặc biệt nhà lớn có một hàng cột giữa nhà cùng tham gia vào việc đỡ kết cấu mái. Nhà lớn có 3 gian, trong đó gian lớn nhất được dùng làm nơi tiếp khách và 1 gian khép kín làm nơi ngủ. Nhà có 2 cửa chính mở ra hiên, 3 cửa phụ vào phòng và 1 cửa phụ không cánh hướng sang nhà bếp. Nhà có 2 cửa sổ lớn và 8 cửa sổ nhỏ, toàn bộ cửa sổ đều có song sắt. 
Không gian bên trong nhà sàn dân tộc Chăm
Nhà sàn dân tộc Mường thuộc khuân viên cụm làng I: Từ bao đời, người Mường đã quen sống trên những ngôi nhà sàn. Đồng bào đã đúc kết toàn bộ đời sống văn hoá của mình qua câu ngạn ngữ: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới”. Nhà của người Mường thường dựng ở gò đồi, lưng dựa vào núi, nhà có 4 mái, ba gian, sàn lát bằng gỗ. Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, nơi diễn ra các lễ nghi thể hiện ứng xử của con người với ngôi nhà. Tại đây có một cây cột gốc to hơn các cây cột khác trong nhà, để đặt bàn thờ thờ tổ tiên. Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa “voóng”, bình thường không ai được đưa vật gì hay chui qua, chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. . Gian giữa thường là nơi để thóc và làm bếp. Gian cuối cùng được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp, là nơi để chạn bát, đồ dùng gia đình, bếp nấu cơm và là nơi ngủ nghỉ của phụ nữ. Nhà sàn của người Mường còn có mặt bằng thứ tư. Đó là sàn gác được làm từ những tấm gỗ hay cây bương gác qua các xà ngang, làm nơi đựng nông sản và các dụng cụ sinh hoạt gia đình. Nhà sàn của dân tộc Mường không chỉ là một giá trị vật chất hiện hữu của mấy ngàn năm lịch sử mà còn là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời của nhiều thế hệ người Mường. Nhà sàn Mường không chỉ là một giá trị vật chất có bề dày lịch sử mà còn hàm chứa trong nó nhiều giá trị tinh thần đáng trân trọng, đó là: Tôn trọng ông bà, tổ tiên, tôn trọng người già; lòng hiếu khách, tôn trọng khách; tôn trọng giá trị gia đình, tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung; khát vọng về một cuộc sống no ấm bình yên; tôn trọng thần linh và các lực lượng siêu nhiên trong quan hệ trực tiếp với cuộc sống con người. Vẻ đẹp bình dị, ấm cúng mà duyên dáng của nhà sàn Mường chỉ được tôn lên khi nó gắn với quần thể bản Mường, ẩn hiện trong cái dịu ngọt, huyền bí của thiên nhiên xứ Mường.
Nhà dài dân tộc Ê Đê - nằm trong khuân viên cụm làng III: kiến trúc nhà dài của dân tộc Ê Đê được ví như là một công trình sáng tạo văn hóa độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của các thế hệ người Ê Đê nơi xứ sở đại ngàn. Nét đẹp của nhà dài Ê Đê, không chỉ ở lối kiến trúc độc đáo mà ý nghĩa của những ngôi nhà này mang dấu ấn đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Bên trong nhà dài, các thiết kế cũng được người Ê Đê khéo léo sắp xếp. Từng chi tiết, từng cách bài trí đều thể hiện những dụng ý văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Nhà được chia thành 2 phần rõ rệt, là Gah và Ôk với những mục đích riêng biệt. Gah là nửa nhà đằng cửa chính, là không gian tiếp khách, họp bàn việc chung của cả gia đình, lễ cúng hoặc sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng. Ôk là nơi đặt bếp, chỗ nấu ăn và là chỗ ở của các đôi vợ chồng. Ngay cả thiết kế cửa sổ bên hông ngôi nhà, chỉ cần nhìn vào, cũng biết trong ngôi nhà dài này có bao nhiêu phụ nữ đã lập gia đình, bao nhiêu chưa lập gia đình. Đây chính là điều tạo nên sự độc đáo, sáng tạo trong không gian kiến trúc nhà dài.
Bên cạnh đó, còn có các nhà sàn tiêu biểu khác như nhà dân tộc khác... đều được trang bị đủ điều kiện đón khách lưu trú.
Trải nghiệm lưu trú nhà sàn truyền thống các dân tộc tại Làng, tận hưởng không gian mát mẻ, hòa cùng thiên nhiên, cùng trò chuyện, giao lưu với bà con đồng bào dân tộc để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp văn hóa truyền thống nơi đây. Chìm đắm vào giấc ngủ không còn bị đánh thức bởi tiếng xe cộ, mà đâu đó văng vẳng tiếng dế, tiếng ếch kêu. Mộc mạc, thân thiện và chu đáo đó là những gì chúng tôi muốn dành cho du khách.