Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và độc đáo, đặc biệt là các loại bánh dân gian của đồng bào các dân tộc. Các loại bánh không đơn thuần chỉ là một món ăn, mà được coi như là biểu trưng của văn hóa vùng miền và có hương vị rất riêng. Du khách hãy đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để được thưởng thức những món bánh độc đáo của đồng bào nơi đây.
Bánh Dày của dân tộc Tày
Bánh dày của dân tộc Tày có đặc trưng rất riêng biệt, được làm hoàn toàn thủ công qua đôi bàn tay khéo léo. Bánh có mùi thơm của gạo, màu sắc bắt mắt của các loại rau, củ, quả. Khi ăn vào thấy vị thanh thanh, thơm mát và là món bánh du khách không thể bỏ qua khi đến Làng.
Bánh ngải của dân tộc Tày, Nùng
Món bánh ngải được truyền từ đời này qua đời khác và đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Tày, Nùng. Bánh được làm từ cây lá ngải, một loài cây có công dụng rất tốt cho sức khỏe; bánh có hương vị rất đặc biệt tưởng chừng như khó ăn mà thực sự không phải như vậy. Đó là sự kết hợp giữa thơm dẻo của bột nếp, vị mát, hơi tê tê không hề đắng của ngải cứu, dễ ăn và không ngấy; nhân đường và vừng ngọt đậm đà. Vị hăng hăng, thơm thơm rất lạ của lá ngải dung hòa cái dẻo, ngọt, thơm của nếp đường.
“Pẻng tải” (bánh gai) là món bánh quen thuộc của đồng bào Nùng. Pẻng tải được gói bằng lá chuối, hình dẹt; nhân được làm bằng lạc giã nhỏ hoặc đỗ xanh trộn đường; bánh hấp trong chõ như đồ xôi từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín.
Bánh hoa tam giác mạch của dân tộc Mông
Hoa tam giác mạch từ lâu đã nổi tiếng và được nhiều người biết đến, tuy nhiên không phải ai cũng biết đằng sau vẻ đẹp, sự quyến luyến ấy còn có đặc sản bánh tam giác mạch vô vùng thơm ngon, hấp dẫn và mang đến giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe.
Để làm ra một chiếc bánh tam giác mạch người ta cần thực hiện nhiều công đoạn khác nhau và tỉ mỉ. Sau khi thu hoạch người ta phơi khô hạt, một phần để ủ tạo men, phần còn lại làm bánh. Những hạt tam giác mạch được xay mịn thành bột rồi nhào với nước cho đến khi dẻo. Sau khi nhào bột với nước đúc thành những chiếc bánh tròn, dẹp, rộng hơn gang tay rồi đem hấp chín, khi ăn sẽ đem ra nướng trên bếp than cho nóng và thơm. Chỉ riêng tên gọi thôi, bánh tam giác mạch đã gợi bao háo hức cho du khách bốn phương, để cùng cảm nhận vị mềm xốp của bánh, vị ngọt thanh lan tỏa, thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh Uôi của đồng bào dân tộc Mường
Bánh uôi có từ rất xa xưa. Truyền thuyết kể rằng Tổ mẫu Âu Cơ sau khi chia tay Lạc Long Quân để đưa các con về Mường Trời, trong hành trang mang theo là một loại bánh nếp, trên mặt bánh rắc vừng và lạc, những nguyên liệu gắn liền với đời sống nông nghiệp. Từ đó, người dân nhớ cội nguồn, đặt tên là bánh Tổ, sau này theo tiếng Việt cổ được gọi là bánh Uôi.
Để món bánh uôi được thơm ngon thì quan trọng nhất là khâu chọn gạo nếp, lá bương xanh vừa đủ mới đạt được mùi thơm của bánh. Cách gói bánh cũng vô cùng tỉ mỉ, nó đòi hỏi sự khéo léo của người gói. Bánh uôi mang tới một cảm giác chờ đợi rất thú vị cho người thưởng thức vì muốn nếm hương vị dẻo thơm đặc biệt của nó thì phải tước được lớp lá bên ngoài. Có cảm giác bánh uôi muốn thử đến cùng độ kiên trì và khéo léo của người đang cầm nó trên tay khi cứ ẩn mình và dính chặt vào lá.
Xôi ngũ sắc của dân tộc Thái
Theo quan niệm của đồng bào Thái, hạt gạo nếp tượng trưng cho sự no đủ, cho sự trù phú, đất đai màu mỡ. Trong các dịp lễ, Tết, những ngày quan trọng trong gia đình, hoặc thiết đãi khách quý, đồng bào Thái đều nấu món xôi ngũ sắc.
Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thủy, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Các màu này tượng trưng cho: Sức khỏe, tiền tài, hạnh phúc, môi trường sống, sự thuỷ chung. Mâm xôi ngũ sắc thường được bày ở trung tâm mâm cỗ. Các nắm xôi được bày bên nhau theo kiểu quần tụ hoặc xếp thành núi, xếp thành 5 cánh hoa ban bày trên lá cây (trước đây) hoặc kết đĩa vòng tròn (bây giờ).
Xôi ngũ sắc thường ăn với chả thịt nướng, cá nướng, gà nướng, khi ăn với ruốc hoặc muối vừng...cũng vô cùng thơm ngon.
Bánh A quát - chiếc bánh tình yêu của đồng bào dân tộc Tà Ôi
Món bánh không thể thiếu đối với những cô gái Tà ôi khi về nhà chồng. Mỗi cô gái đều tự tay làm những cặp bánh A quát với tất cả sự cần mẫn, chăm chút, khéo léo của mình.
Với đồng bào Tà Ôi, nếp Cu-char (nếp than) là loại nếp quý nhất và cũng là nguyên liệu duy nhất làm nên món bánh đặc trưng này.
Bánh A quát được bó thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ hơn là hiện thân của người con gái. Cũng bởi vậy mà từ nhỏ, các bé gái đồng bào dân tộc Tà Ôi đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm bánh A quát. Giờ đây, bánh A quát không chỉ xuất hiện trong những ngày lễ, tết, ngày vui cưới hỏi của đồng bào dân tộc Tà Ôi mà đã trở thành một sản phẩm thiết đãi khách quý của đồng bào Tà Ôi.
Bánh Tét của dân tộc Khmer
Bánh tét - là món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, phong tục ngày Tết của đồng bào Khmer.
Nếu bánh chưng có hình vuông đầy gói với lá dong thì bánh tét lại là hình trụ tròn tượng trưng cho hình ảnh người mẹ bao bọc lấy các con. Sự hiện diện của bánh tét vào những dịp lễ quan trọng, cũng là lời nhắc nhở công ơn sinh thành của cha mẹ ngày đầu năm. Có như thế, mỗi người con mới luôn biết hiếu thảo, nhớ đến công ơn cha mẹ. Ngoài ra bánh tét cũng mang một ý nghĩa thương nhớ người đã khuất, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình đa tạ trời đất đã cho người dân được mùa thuận lợi.