Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích hơn 1500ha trong đó Khu các làng dân tộc – không gian tái hiện những sinh cảnh văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc, nơi được coi là trái tim, là linh hồn của dự án có diện tích 205ha. Với diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu của du khách không có nhiều thời gian để tham quan trọn vẹn tất cả các điểm làng trong hành trình chúng tôi xin đưa ra gợi ý các địa điểm không thể bỏ qua như sau:
* Lưu ý: các địa điểm gợi ý dựa trên tuyến hành trình xe điện xuất phát từ Cổng 54.
- Cụm làng I – không gian văn hóa của cộng đồng 28 dân tộc vùng trung du miền núi phía Bắc.
+ Quý khách có thể ghé thăm thung lũng hoa là điểm nhấn trung tâm của cụm làng Tày-Dao-Mông-Nùng, đây không chỉ là nơi được tái hiện với phong cảnh đẹp đậm chất núi rừng Tây Bắc của thung lũng hoa, thác nước chảy mà còn là trung tâm của cụm làng các dân tộc hiện đang có sự hiện diện sinh sống của đồng bào tạo nên một sinh cảnh gần gũi, chân thực.
+ Chợ phiên vùng cao: là địa điểm được tái hiện dựa theo nguyên mẫu chợ vùng cao ở Đồng Văn (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai) những lớp tường đá tảng và mái ngói âm dương đã tạo nên một sinh cảnh thật khác. Ghe thăm nơi đây du khách như lạc vào chợ phiên của vùng non cao. Đặc biệt trong những dịp sự kiện lớn khi Ban Quản lý tổ chức tái hiện những phiên chợ vùng cao thì đây chắc chắn sẽ là địa điểm không thể bỏ qua của du khách gần xa. Chợ phiên vùng cao tại Làng thường được tổ chức vào các dịp nghỉ lễ như 30/4 - 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và Tết dương lịch.
+ Cụm làng các dân tộc Mường – Khơ Mú - Thái: Những nếp nhà sàn bên những vạt đồi chè xanh tươi, những cây hoa ban nở trắng bản làng Mường, Thái hiện lên với nét đẹp dung dị, an yên. Đến với nơi đây trực tiếp trò chuyện, giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con đồng bào dân tộc để cảm nhận sự ấm áp, chân tình.
- Cụm làng II - không gian văn hóa của cộng đồng 18 dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.
+ Điểm làng dân tộc Tà Ôi – Khu vườn tượng điêu khắc Tây Nguyên: Tham và tìm hiểu ngôi nhà Ròng truyền thống của bà con Tà Ôi đến từ A Lưới, Thừa Thiên Huế nơi đang bảo tồn nghề dệt zèng truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Khám phá vẻ đẹp điêu khắc tượng gỗ tài hoa của các nghệ nhân Tây Nguyên tại Khu vườn tượng điêu khắc Tây Nguyên.
+ Điểm làng dân tộc Ba Na: Ngắm nhìn ngôi nhà Rông cao nhất tại Khu các làng dân tộc, cùng hòa theo nhịp xoang rộn ràng của đồng bào dân tộc Ba Na đến từ tỉnh Gia Lai.
+ Điểm làng dân tộc Xơ Đăng: Gặp gỡ với bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng đến từ tỉnh Kom Tum, cùng thưởng thức những giai điệu vui tươi từ cây đàn Tơ Rưng, Krông pút truyền thống.
+ Điểm làng dân tộc Ê Đê: chiêm ngưỡng vẽ đẹp kiêu hãnh của ngôi nhà dài mẫu hệ, cùng lắng nghe những lời ca tiếng hát đậm chất Tây Nguyên của các nghệ nhân dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk.
- Cụm làng III – không gian văn hóa của 4 cộng đồng dân tộc Chăm, Khmer, Chơ Ro, Chu Ru sinh sống chủ yếu ở duyên hải và Nam bộ
+ Chùa Khmer: tìm hiểu kiến trúc quần thể chùa Khmer nghe kể về cuộc đời đức Phật, đây là một trong những ngôi chùa theo dòng Phật giáo Nam Tông được xây dựng và đẹp nhất tại miền Bắc.
+ Làng dân tộc Khmer: tìm hiểu nếp nhà sàn Khmer truyền thống tại vùng Nam Bộ, thưởng thức những trích đoạn đặc sắc của loại hình nghệ thuật Rô băm do các nghệ nhân Khmer đến từ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng biểu diễn.
+Tháp Chăm: ngắm nhìn quần thể Tháp Chăm được tái hiện theo đúng tỷ lệ 1:1 của tháp Po Klong Garai, tỉnh Ninh Thuận, tìm hiểu nghệ thuật và bí ẩn xây dựng tháp Chăm xưa.