Quá trình hình thành, phát triển, tạo đà bứt phá và tổ chức thành công nhiều sự kiện
* Quá trình hình thành, phát triển, tạo đà bứt phá
Cuối năm 1988 đầu năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND TP. Hà Nội đã đề xướng xây dựng dự án Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với định hình ban đầu đây chỉ là một dự án với một làng nhỏ vài chục nhà sàn bên hồ Tây.
Ngày 26/09/1992, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4375/KG nêu yêu cầu về việc cần kết hợp thêm mục đích du lịch cho Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngày 19/10/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin cùng với UBND TP.Hà Nội gửi Công văn số 3397.VX/UB báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nội dung cuộc họp giữa Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND TP.Hà Nội về việc thống nhất xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngày 05/04/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định 503TC/QĐ thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư với nhiệm vụ xây dựng Đề án chung xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ban Chuẩn bị đầu tư đã làm việc với Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa Dân gian về nội dung văn hóa dân tộc của dự án và đã tổ chức “Trưng cầu ý tưởng quy hoạch Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, mời 05 đơn vị trong nước và 01 đơn vị nước ngoài tham vấn, đồng thời tổ chức một số triển lãm các ý tưởng quy hoạch để giới thiệu, xin ý kiến các nhà chuyên môn, trí thức và đông đảo nhân dân trong cả nước về việc xây dựng, thực hiện dự án tiền khả thi - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đơn vị được chỉ định để thực hiện dự án tiền khả thi là Ban Chuẩn bị đầu tư và liên danh ba đơn vị Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Viện Thiết kế Công trình Văn hóa và Công ty Goh Hock Guan and Associates.
Đầu tháng 09/1995, dự án tiền khả thi được hoàn thành, trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ngày 21/8/1997, Chính phủ ra Quyết định số 667/TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể và nêu rõ tên dự án “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, khẳng định dự án phục vụ du lịch bằng hoạt động văn hóa.
Ngày 03/10/1999, Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL các DTVN) được khởi công xây dựng, đánh dấu sự ra đời trên thực tế. Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã nhanh chóng chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng, đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị với các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan, cũng như tiến hành hàng loạt các công việc cần thiết, trong đó, đặc biệt coi trọng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác rà phá bom mìn, khảo sát cổ học và thực hiện các dự án bước đầu về hạ tầng kỹ thuật chung.
Với chủ trương để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, tạo điều kiện để các địa phương, đồng bào các dân tộc tham gia từ khâu thiết kế thi công đến quản lý, vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN luôn tích cực xin ý kiến các nhà chuyên môn, nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, các nhà quản lý về văn hóa dân tộc. Từ năm 2005 - 2007, cơ bản hoàn tất việc xin ý kiến chủ thể văn hóa, các cấp địa phương, các cơ quan Trung ương liên quan về xây dựng Khu các làng dân tộc với 17 hội nghị, hội thảo và tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (11/2005).
Do còn những bất cập tồn tại trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng, Lãnh đạo Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Làng VHDL các DTVN giai đoạn 2006 - 2010 và đề xuất với Bộ Văn hóa - Thông tin các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục những vướng mắc tồn tại. Ngày 19/8/2005, Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt tại Quyết định số 6630/QĐ - BVHTT.
Từ 2007 trở đi, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chỉ đạo, điều hành quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, hợp tác huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao… hướng tới mục tiêu khai trương Làng VHDL các DTVN vào năm 2010. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã đề xuất với Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Chính phủ về việc chuyển giao Nông trường Đồng Mô về trực thuộc Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN, theo đó, đến năm 2008, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã đề xuất và xây dựng đề án về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và tổ chức thành công Lễ công bố Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Làng VHDL các DTVN ngày 19/4/2009.
Ngày 19/4/2010, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã tổ chức thành công Hội nghị cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc thuộc Làng VHDL các DTVN với sự tham dự của 270 đại biểu, đại diện các nhà quản lý của các Bộ, Ban, ngành, tổng cục, cục vụ, viện ở Trung ương, UBND, Sở VHTTDL, Ủy ban Dân tộc của 40 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc, nhân sĩ trí thức, già làng, nghệ nhân dân gian của 47 dân tộc trong 54 dân tộc anh em.
* Sự đổi mới, phát triển kể từ ngày Khai trương 19/9/2010
Ngày 19/9/2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức khai trương - mở cổng Làng. Trải qua hơn một thập kỷ, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã cho thấy sự đổi mới, ngày càng phát triển trong vận hành khai thác, kiến trúc cảnh quan, từng bước trở thành “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Kể từ khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức được khai trương đi vào hoạt động, với phương châm vừa vận hành khai thác cục bộ vừa xây dựng. Ngay sau khi khai trương, ngoài việc tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn chú trọng công tác khai thác vận hành Khu các làng dân tộc bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng phong phú với sự tham gia của đồng bào các dân tộc, đồng thời song song duy trì công tác đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình theo kế hoạch.
Từ năm 2010 đến nay, có hơn 30 sự kiện lớn được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với 19 lần truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, các sự kiện đã huy động hơn 7.000 lượt đồng bào, trong đó có hơn 40 cộng đồng dân tộc về tham gia các hoạt động và thu hút hơn 4 triệu lượt khách tham quan.
Hàng năm, có 3 sự kiện thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4”; và Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” . Đây là các sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn là địa điểm để tổ chức các sự kiện mang tầm vóc quốc tế và được đánh giá cao như: Những ngày "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" năm 2014, Đêm hội Đoàn kết Nghị viện, đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ðại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam năm 2015.
Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, từ cuối năm 2015, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động theo hình thức luân phiên đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động, tính đến nay đã có hàng nghìn lượt đồng bào của 16 dân tộc luân phiên về hoạt động thường xuyên tại Làng.
Đồng bào về sinh sống tại Làng đã góp phần tạo sự sinh động, sức sống, màu sắc và nét riêng có cho từng ngôi làng, cùng với các hoạt động, sự kiện hàng ngày, hàng tháng, thường niên, tổ chức tái hiện nhiều lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực dân gian, dân ca dân vũ…du khách không phải đi đâu xa mà chỉ cần đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là có thể trải nghiệm văn hóa các dân tộc từ khắp các vùng miền Tổ quốc. Thông qua đó, lan tỏa tới du khách ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Đó cũng chính là nét độc đáo, đặc thù làm nên sức hút của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để mỗi khi đến đây du khách như được tìm về với cội nguồn của văn hóa truyền thống.
Năm 2016, Làng chính thức thu phí tham quan, đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của Làng, là động lực thúc đẩy ngày càng hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa hoạt động từng bước đưa Làng hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả, là điểm đến hấp dẫn cảu du lịch Việt Nam. Từ năm 2017, đã có một số đơn vị đầu tư các dịch vụ tại Làng và các nguồn từ xã hội hóa như dịch vụ xe điện, khu ẩm thực, hướng dẫn tour cho du khách, tạo sự chuyển biến trong việc tăng cường các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan.
Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các khu chức năng kêu gọi đầu tư tại Làng, công tác quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng đẩy mạnh, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0, Làng đã và đang triển khai các dự án góp phần đưa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tìm hiểu văn hóa cũng như du lịch của du khách tham quan.
Cùng với sự đa dạng, phong phú trong việc tổ chức các hoạt động, hoàn thiện cơ sở cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch và với sự đầu tư về cảnh quan thiên nhiên đã làm cho lượng khách đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tăng lên đáng kể hàng năm, trung bình mỗi năm đón 500.000 lượt khách, dự kiến đến năm 2030, Làng sẽ đón khoảng 5 - 7 triệu lượt khách tham quan.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm từ ngày mở cổng Làng đến nay, mô hình hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang khẳng định được vị trí “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn, đáp ứng mong đợi của đồng bào các dân tộc, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài về một khu văn hóa quốc gia, nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong những năm qua Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã từng bước trở thành “địa chỉ đỏ” của 54 dân tộc anh em và sẽ không ngừng đổi mới và phát triển./.