Cộng đồng các dân tộc về tham gia hoạt động thường xuyên tại “Làng”
(LVH) - Với phương châm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” và từng bước đưa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành “không gian sống” thực sự, trong thời gian qua, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác huy động đồng bào từ các vùng miền trên cả nước về tham gia hoạt động thường xuyên. Hiện tại đang có 5 cộng đồng dân tộc đang sinh sống, tổ chức không gian văn hóa, tham gia lao động sản xuất, đón khách du lịch tại khu nhà của mình và từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm 3 cộng đồng dân tộc về tham gia hoạt động, sinh hoạt tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Ngoài các hoạt động sự kiện thường niên ("Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền tổ quốc"; "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam"; "Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việ Nam) và các hoạt động chuyên đề theo tháng ("Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn"; “Tháng Ấn tượng mùa hè - Tìm về ký ức tuổi thơ”;...), từ tháng 10/2015 đến nay, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức các hoạt động thường xuyên của chủ thể văn hóa tại các làng dân tộc. Để huy động đồng bào về tham gia hoạt động thường xuyên, trong những năm gần đây Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tích cực xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc đưa đồng bào về sinh sống thường xuyên.
Trong thời gian vừa qua, “Làng” cũng đang thí điểm đưa đồng bào các dân tộc Mường, Thái (tỉnh Hòa Binh), Khơ Mú (tỉnh Điện Biên), Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Khmer (tỉnh Sóc Trăng) về tham gia hoạt động thường xuyên làm cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế. Trong đó, tại làng dân tộc Mường và Thái, chủ thể văn hóa với 10 người đã đến sinh sống và tổ chức các hoạt đời sống, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của mình từ tháng 10/ 2015. Tại các làng dân tộc, nhóm cộng đồng dân tộc Ê Đê (5 người) đã có tham gia hoạt động này tháng 3/2016; Nhóm cộng đồng dân tộc Khmer (6 người) đã tổ chức các hoạt động của mình từ ngày 25/4/2016 và nhóm cộng đồng dân tộc Khơ Mú (4 người) tổ chức các hoạt động thường ngày của mình từ ngày 14/4/2016.
Ban Quản lý đã có đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế mời đồng bào dân tộc về tham gia hoạt động, góp phần thuận lợi trong công tác huy động cộng đồng dân tộc từ các tỉnh thành trên cả nước về hoạt động, sinh sống lâu dài tại “Ngôi nhà chung”.
.JPG) |
Nghệ nhân dân tộc Ê Đê giới thiệu nhạc cụ dân tộc mình cho các bạn trẻ
|
Việc huy đồng đồng bào các dân tộc ở các vùng, miền về sinh hoạt thường xuyên đã từng bước góp phần làm cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một “không gian sống” có “hồn”, có dân cư, có hoạt động sống và sinh hoạt hàng ngày, không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở nên sống động hơn với sự có mặt của đồng bào.
Đồng bào khi về với “Làng”đã thực sự xem nơi đây như là nhà của mình, không xa lạ mà rất gần gũi, thân quen. Đồng bào cùng nhau sinh hoạt và tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, bảo quản vật dụng và trang trí trong không gian ngôi nhà của mình. Đồng thời, giữa đồng bào các dân tộc còn có sự giao lưu, học hỏi và tìm hiểu văn hóa lẫn nhau.
 |
Đồng bào Khơ Mú làm cột còn phục vụ du khách tham gia ném còn khi tới tham quan
|
Đặc biệt, đồng bào đã thực sự trở thành “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” thông qua các hoạt động như: Ăn, ở, phong tục, tập quán, chế tác nhạc cụ, công cụ sản xuất, may vá, thêu thùa,…Du khách khi tới đây đã được trực tiếp tiếp xúc trò chuyện với đồng bào, được chứng kiến và tiếp cận văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo của đồng bào các dân tộc. Có thể thấy, giữa chủ thể văn hóa và người tìm hiểu văn hóa có sự gắn kết, tương tác với nhau. Đây thực sự là sức mạnh tạo ra khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
 |
Đồng bào Thái và du khách cùng nhau giao lưu nhảy xòe
|
Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện cơ chế phối hợp với các địa phương, sẽ có nhiều đồng bào các dân tộc từ mọi miền Tổ quốc sẽ về “Làng” tham gia hoạt động thường xuyên cùng với việc đa dạng hóa các hoạt động Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, thật sự sẽ là “không gian sống”, là nơi hội tụ văn hóa, gắn kết sức mạnh khối đại đoàn kết cộng đồng 54 dân tộc dưới “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hải Yến (Ảnh: Thu Loan)