Ban Quản lý tiếp Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị

(LVH) - Ngày 12/7, Ban Quản lý đã tiếp Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị làm việc và tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Đoàn đại biểu do đồng chí Hồ Thị Minh (dân tộc Bru-Vân Kiều), Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Quốc hội khóa 15 làm Trưởng đoàn cùng 31 thành viên (đại diện cho 191 người có uy tín của tỉnh). Về phía Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có các đồng chí: Trịnh Ngọc Chung, Bí thư Đảng ủy, Quyền Trưởng ban; Phạm Văn Quyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban cùng các Trưởng, Phó, Phụ trách các đơn vị thuộc Ban Quản lý.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Minh cho biết, vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có 44 xã, thị trấn, trong đó, có 38 xã có đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều và Pa Cô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản (chiếm tỷ lệ 13,32% dân số toàn tỉnh).

Đồng chí Hồ Thị Minh (dân tộc Bru-Vân Kiều), Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Quốc hội khóa 15 trao đổi tại buổi làm việc

Trong đó, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu thực hiện tuyên truyền, vận động trong dòng họ, người dân trong thôn bản ổn định không di cư tự do, tích cực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các hương ước, quy ước của làng, bản phù hợp theo các chuẩn mực văn hóa, kết hợp bản sắc văn hóa dân tộc.

Đoàn đại biểu tham quan không gian văn hóa làng dân tộc Tà Ôi

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín là những nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh; đồng thời đây cũng là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc truyền bá, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc như: Các điệu dân ca Oát xa nớt của dân tộc Bru-Vân Kiều, Ca lơi Cha chấp của dân tộc Pa Cô được truyền dạy cho thế hệ thanh thiếu niên; Các lễ hội cúng cơm mới; Lễ hội A Riêu Ping, Lễ hội mừng làng mới đã được duy trì; Các nhạc cụ truyền thống như: Tù và, Cồng, Chiêng... được sưu tầm và lưu giữ; Các nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre … đã được khôi phục.

Đoàn đại biểu tham quan không gian văn hóa làng dân tộc Tà Ôi

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Ngọc Chung tin tưởng các già làng, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; gương mẫu trong sinh hoạt, lao động sản xuất, làm tốt vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân và đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào mình phấn đấu vươn lên, đi đầu trong mọi cuộc vận động thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Đồng thời, đồng chí mong muốn được phối hợp cùng địa phương nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Bru-Vân Kiều, dân tộc Pa Cô tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đoàn đại biểu tham quan không gian văn hóa làng dân tộc Tà Ôi

Thay mặt Đoàn đại biểu, đồng chí Hồ Thị Minh cảm ơn về sự đón tiếp chu đáo và nồng hậu của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dành cho Đoàn, đồng thời mong muốn hai bên có cơ hội hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thông qua các hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều, dân tộc Pa Cô tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đoàn đại biểu tham quan không gian văn hóa làng dân tộc Ê Đê

Sau buổi làm việc, đoàn đại biểu tham quan không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thăm hỏi, trò chuyện cùng các nhóm cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại đây.

Đoàn đại biểu tham quan không gian quần thể tháp Chăm

Phạm Hương (Ảnh Phạm Trung)