Tiếp tục hoàn thiện Khu Tháp Chăm, dự kiến khánh thành nhân Ngày Di sản Văn hóa VN (23/11)

(LVH) - Được khởi công xây dựng từ năm 2008, cho đến nay (cuối tháng 5/2012), Khu đền tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng mô phỏng theo tổng thể nhóm tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) đã được hoàn thiện và đang hoàn chỉnh các hạng mục phụ phục vụ cho việc khánh thành đưa vào khai thác, dự kiến vào tháng 11 sắp tới.

<<< Quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khu đền tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng mô phỏng theo tỉ lệ tương đương nhóm tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) - là nhóm tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ 13 và hoàn thành vào đầu thế kỷ 14, thờ vua Po Klong Garai (Poklongarai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua Sinhavarman III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì từ năm 1152 đến 1205 và đây là vị vua có công lớn đối với vùng đất này).

Tiêu biểu cho loại này còn có khu thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháp Ponaga (Khánh Hòa), song, nhóm tháp Po Klong Garai được coi là nhóm tháp nổi tiếng cổ kính và đẹp nhất khu vực duyên hải miền Nam Trung Bộ, cũng là nơi hàng năm tổ chức lễ hội quan trọng, lớn nhất của người Chăm - lễ hội Katê.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu đền tháp Chăm được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể Khu các Làng dân tộc III - khu vực tái hiện làng của những dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Toàn bộ khu đền tháp Chăm được xây dựng trên vùng đất có địa thế cao với diện tích 4000m2. Công trình có sự tham gia trực tiếp của những người thợ, nghệ nhân, kỹ thuật viên, họa sỹ, nhà điêu khắc và một số thợ có tay nghề cao tại Ninh Thuận tham gia thi công, góp ý, theo dõi xây dựng.

Đến nay, khu đền tháp Chăm đã cơ bản được hoàn thiện, bao gồm: Kalan (Tháp A), Tháp cổng Gopura (Tháp C), Tháp hỏa Kosaghra (Tháp B), hệ thống tường bao, đường lên xuống tháp, sân lễ hội và 2 nền gạch tượng trưng cho phần móng của những tháp đã mất do thời gian và chiến tranh. Hiện tại, Ban Đầu tư và Xây dựng 195 - Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam được giao làm chủ đầu tư đang đôn đốc đơn vị thi công triển khai hoàn chỉnh phần lát sân lễ hội và vệ sinh tổng thể, vệ sinh bề mặt các tháp, hoàn chỉnh toàn bộ lớp nền phần sân lễ hội và phần sân chính... của khu đền tháp. Dự kiến, Khu đền tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ được khánh thành vào dịp 23/11/2012 nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tại “Làng”, Kalan - Tháp trung tâm (Tháp A) có 4 tầng, mỗi tầng có 4 tháp nhỏ dần theo tầng cao và là tháp thờ vua Po Klong Garai. Bên trong tháp chính, tại chính giữa, có đặt Linga và Yoni - hai khối vật thể biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm và cũng là biểu tượng cho thần Siva đầy uy lực mà người Chăm tôn thờ. Đến ngày khánh thành Khu Tháp Chăm tại “Làng”, cộng đồng dân tộc Chăm sẽ làm lễ và đặt vị trí Linga và Yoni theo đúng phong tục và nghi thức lễ của người Chăm.
Tháp hỏa - tháp lửa Kosaghra (Tháp B) ở phía trước bên phải của tháp chính theo hướng Đông và là bếp lửa của nhà vua Po KlongGarai, còn tháp cổng Gopura (Tháp C) là nơi đón tiếp khách của nhà vua.

Phần sân lễ hội (diện tích 65m2) ở giữa tháp chính, tháp hỏa và tháp cổng, cao hơn sân chính 0,9m. Một phần nền sân chính của toàn bộ khu tháp đang được tiếp tục hoàn thiện.

Đến đầu tháng 11/2012, sẽ hoàn thiện xong môi trường cảnh quan, hệ thống chiếu sáng, khuôn viên... của khu đền tháp, đặc biệt, quanh tường bao sẽ đắp nhân tạo thành đồi, trồng các loại cây xương rồng, cây lá kim đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ka lan - Tháp chính đang được những người thợ vệ sinh bề mặt tháp

Một góc tháp Trung tâm - Tháp chính - Ka lan

Lối vào bên trong tháp chính, nơi đặt Linga và Yoni - hai khối vật thể biểu tượng âm dương hòa hợp theo tín ngưỡng của người Chăm

Linga và Yoni - hai vật thể biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, đặt tại bên trong chính giữa của tháp trung tâm

Bức tượng đá sa thạch vũ nữ Chăm, các phù điêu bằng đá, tượng đá, cột đá được đục tay gắn vào, các tai lửa gốm trang trí được đục trực tiếp trên khối gạch xây, cầu kỳ, tinh xảo

Sân lễ hội và toàn bộ sân nền của khu đền tháp sẽ sớm được hoàn thiện

Cán bộ Ban Đầu tư và Xây dựng 195 cùng với quản lý đơn vị thi công đang kiểm tra bên trong công trình

H.Huyền