Trưng bày hiện vật tại làng dân tộc Ba Na, Jrai
(LVH) - Đến ngày 20/10, công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật thể hiện các nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc được triển khai tại làng Ba Na và làng Jrai thuộc Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, làm cho mỗi ngôi nhà ở các làng nơi đây trở nên sinh động và có “hồn”.
Sau khi khảo sát, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, Ban Đầu tư và Xây dựng 195 - đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã tiến hành sưu tầm hiện vật tại các địa phương và tổ chức trưng bày các hiện vật tại “Làng” như những gì nó vốn có trong truyền thống.
Với phương châm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” - các nghệ nhân là già làng tại các địa phương chính là những người giới thiệu các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trực tiếp tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thông qua việc bố trí, sắp đặt, trưng bày từng hiện vật trong các ngôi nhà và tạo dựng không gian trưng bày bên trong từng ngôi nhà rông, nhà ở sao cho đúng, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc mình.

Cán bộ Ban Đầu tư và Xây dựng 195 cùng với già làng Nay Suan, 82 tuổi, nghệ nhân dân tộc Jrai bố trí, sắp đặt các hiện vật trong nhà rông Jrai
Đến ngày 20/10, công tác sưu tầm và tổ chức trưng bày hiện vật trong các ngôi nhà của làng dân tộc Ba Na và Jrai được triển khai xong. Không gian bên trong ngôi nhà rông, nhà ở của đồng bào Ba Na tại “Làng” do già làng H Yươm, 63 tuổi, là nghệ nhân dân tộc Ba Na đến từ làng Hợp, thị trấn K’Bang, tỉnh Gia Lai sắp đặt còn đối với không gian bên trong của nhà rông, nhà dài Jrai do già làng Nay Suan, 82 tuổi, nghệ nhân dân tộc Jrai ở buôn Sô Bah Leng, xã Ama Rơn, huyện Ia pa, tỉnh Gia Lai thực hiện.
Các hiện vật được sưu tầm và tổ chức trưng bày tại các làng bao gồm: các công cụ phục vụ cuộc sống thường ngày của đồng bào: rìu, dao, liềm, đó, đơm, khung dệt vải, gùi, bầu nước, ché rượu, xoong nồi, trang phục, bếp sinh hoạt…; các hiện vật phản ánh và liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tinh thần của đồng bào: các nhạc cụ, đạo cụ: tù và, trống, chiêng, ché, đàn dây, cây nêu, các bức tượng người trong các tư thế tham gia lễ hội của làng, làm các công việc thường ngày: đánh chiêng, uống rượu cần, dệt vải, quây quần tụ họp gia đình…
Trong công tác sưu tầm và tổ chức trưng bày hiện vật tại các làng, đơn vị thực hiện luôn hướng tới việc thể hiện sao cho tương đối đầy đủ các sắc thái văn hoá đặc trưng của cả một dân tộc (bao gồm tất cả các nhóm, ngành, nhóm địa phương), để khi mỗi nhóm, ngành, nhóm địa phương của dân tộc đó về “Làng”, đồng bào nhận ra bản sắc của dân tộc mình ở các hiện vật, không gian tại làng.
Công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật sẽ tiếp tục được triển khai tại các làng dân tộc Tà Ôi, Bru - Vân Kiều, Chứt và các dân tộc khác trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh:
 |
Nhà rông cao của dân tộc Ba Na tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
 |
Già làng H Yươm, 63 tuổi, nghệ nhân dân tộc Ba Na trực tiếp bố trí, sắp đặt các hiện vật trưng bày bên trong nhà rông cao
|
 |
Già H Yươm cùng với cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai sắp đặt hiện vật
|
 |
Nhà rông thấp Ba Na tại "Làng"
|
 |
Không gian trưng bày bên trong nhà rông thấp
|
 |
Cán bộ Ban Quản lý Khu các làng dân tộc cùng với già làng H Yươm sắp xếp hiện vật trưng bày
|
 |
Ngôi nhà ở của dân tộc Ba Na tại "Làng"
|
.JPG) |
Trong ngôi nhà ở của người Ba Na, đồng bào thường ăn uống, sinh hoạt và đặt bếp lửa ở phía bên tay phải
|
.jpg) |
Đồ dùng vật dụng của đồng bào Ba Na trưng bày trong ngôi nhà ở
|
 |
Một góc không gian của làng dân tộc Jrai tại "Làng"
|
 |
Già làng Nay Suan, 82 tuổi, nghệ nhân dân tộc Jrai bố trí, sắp đặt các hiện vật trong ngôi nhà rông
|
 |
Tượng người phụ nữ Jrai giã gạo trước nhà ở
|

|
Không gian bên trong nhà dài, nhà ở của đồng bào Jrai
|
Hoàng Huyền