Họp báo Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

(LVH) - Sáng nay, 24/10/2013, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” với các hoạt động được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 18 - 24/11/2013. Đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tới dự và chủ trì cuộc họp.

Đồng chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lâm Văn Khang - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức; Phan Đình Tân - Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, có các đồng chí Hoàng Đức Hậu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc; Hoàng Văn Chương - Phó Trưởng Ban Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, tác giả kịch bản đêm khai mạc; các đồng chí là thành viên Ban Tổ chức, các Tiểu ban và đông đảo nhà báo, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự.

 

Quang cảnh buổi họp báo

 

Thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức đã thông báo chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo đó, Tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 18-24/11/2013 với 14 nội dung hoạt động chính, lực lượng tham gia là 16 cộng đồng dân tộc đến từ 12 tỉnh/thành, đại diện cho cộng đồng dân tộc ở khắp các vùng, miền Tổ quốc, thuộc các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang.

Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, thành viên Ban Tổ chức, tác giả chương trình khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” đã giới thiệu kịch bản, ý tưởng thiết kế sân khấu đêm khai mạc 18/11 và trả lời một số câu hỏi của các nhà báo, phóng viên quan tâm đến các nội dung tổ chức trong đêm khai mạc của Tuần lễ. Theo đó, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã nêu rõ ý tưởng thiết kế sân khấu, lấy các hình ảnh biểu trưng cho hình tượng Việt Nam như: tà áo dài, nón lá, hoa sen, cây tre... và tổng quan chương trình là một bức tranh đa sắc màu của văn hóa Việt Nam, tôn vinh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam với một kết thúc rực rỡ, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các Hoa hậu, Á hậu dân tộc Việt Nam trong tà áo dài truyền thống. Đặc biệt, với ý nghĩa tôn vinh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, cùng với cả nước hướng về đồng bào, đồng chí nơi khúc ruột miền Trung đang gặp thiên tai, lũ lụt, chương trình gửi gắm bức thông điệp: đồng bào cả nước cùng chung tay góp sức ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt...

 

Đồng chí Hồ Anh Tuấn (đứng), Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi họp báo

Trao đổi và trả lời câu hỏi của báo giới về các nội dung trong Tuần lễ, về kinh phí hoạt động, về lực lượng tham gia, vấn đề tổ chức, sự tham gia của du khách trong các hoạt động... đặc biệt là việc tái hiện các hoạt động trong không gian văn hóa vùng Nam Bộ như: chợ nổi Nam Bộ, Hội đua bò Bảy Núi... đại diện Ban Tổ chức, đồng chí Lâm Văn Khang khẳng định: với quan điểm xuyên suốt “để chủ thể tự giới thiệu về mình”, 16 cộng đồng, đại diện cho cộng đồng các dân tộc từ các miền đất nước tụ hội về “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc sẽ tự giới thiệu về mình và chỉ có tự giới thiệu về mình mới là cách giới thiệu tốt nhất, sống động, chân thật nhất văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Chính vì vậy, để chuẩn bị nội dung, kế hoạch cho các hoạt động của Tuần lễ, Ban Tổ chức đã cử đoàn công tác làm việc với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có liên quan, xin ý kiến của nghệ nhân ở các địa phương đó để xây dựng nội dung cũng như thống nhất các nội dung, kế hoạch tổ chức các hoạt động của đồng bào tại "Làng", sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất. Như thế, du khách đến với các hoạt động của Tuần lễ tại "Làng" sẽ được tham quan và trực tiếp trải nghiệm các không gian văn hóa từ vùng núi phía Bắc: chợ vùng cao, các hoạt động dân ca, dân vũ, lễ hội tiêu biểu của đồng bào phía Bắc, đến các không gian văn hóa vùng Nam Bộ như: tham gia trải nghiệm chợ nổi Nam Bộ trên những thuyền, ghe, xem Hội Đua Bò Bảy Núi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng Nam Bộ như đờn ca tài tử,...

Trên tinh thần xã hội hóa cao nhất, kinh phí cho các hoạt động của Tuần lễ được lấy từ ngân sách sự nghiệp của các đơn vị tham gia thuộc Bộ, các địa phương và nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Yêu cầu của Tuần lễ là để các chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình tại “Ngôi nhà chung” 54 dân tộc Việt Nam, do vậy, các hoạt động phải được chọn lọc và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở các vùng, miền và phải đảm bảo chất lượng. Thứ trưởng cũng bày tỏ sự cám ơn các phóng viên, báo chí, cơ quan truyền hình và đề nghị các cơ quan truyền thông cùng góp sức quảng bá cho các hoạt động của Tuần lễ, nhằm tôn vinh tinh thần đại đoàn kết - di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam cần được trân trọng, gìn giữ và phát triển, đồng thời, quảng bá, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam nói chung và Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

N. Hoa - P. Hương