Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam, sáng ngày 18/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có trên 80 đại biểu đến từ các Ban, Bộ, Ngành đoàn thể Trung ương, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 19 tỉnh, thành và đại biểu, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, trí thức người dân tộc, các cơ quan thông tấn, báo chí…
 |
Toàn cảnh Hội nghị
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định: Bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, văn hoá là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hoá, văn hoá truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại sẽ làm phong phú cho văn hoá đất nước, thúc đẩy văn hoá phát triển.
Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19 tháng 4 hằng năm là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình khung các hoạt động Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam và trong 3 năm qua, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đồng bào các dân tộc, các địa phương đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng: giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm… từng bước đưa các hoạt động ngày 19/4 hằng năm trở thành nề nếp, thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hoá, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Với chủ đề “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam những năm qua là cầu nối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về văn hoá cũng như sản xuất, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá.
Tiếp đó, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Hoàng Đức Hậu đã Báo cáo trước toàn thể Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTG ngày 17 /11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Báo cáo nêu rõ: Trong 3 năm qua, việc tổ chức, phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo, phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành và các địa phương đã được triển khai thực hiện với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, công chức viên chức, người lao động và đồng bào các dân tộc tại các địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc nhìn lại những kết quả đạt được và kiểm điểm những phần việc còn khiếm khuyết, cần phải khắc phục để thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách đối với các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, các hoạt động, sự kiện trong chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam của các đơn vị, địa phương đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của bà con dân tộc ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia, để đồng bào là đối tượng trực tiếp thụ hưởng, đồng thời là chủ thể của các hoạt động này nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu... Nhiều nội dung gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng, miền, địa phương, tích cực tham gia và lồng ghép với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"…
 |
Đồng chí Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn (giữa), đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (phải), đồng chí Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (trái) chủ trì Hội nghị
|
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương tham gia tích cực, thường xuyên, được đưa vào kế hoạch hàng năm, hoặc trong từng giai đoạn với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng... Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội nghị nhận được 12 tham luận, ý kiến phát biểu đóng góp cho Hội nghị. và tại Hội nghị, từ đại diện quản lý các địa phương: Sở VHTT&DL Hà Giang, Gia Lai, Hòa Bình… đến các nghệ nhân, già làng, trưởng bản một số dân tộc như dân tộc Chăm (An Giang), Bah nar (Kon Tum), H’Mông (Hà Giang), Mường (Hòa Bình)… đại diện cho cộng đồng các dân tộc ở khắp mọi miền đất nước đã phát biểu, đóng góp ý kiến, thể hiện tâm tư nguyện vọng và đưa ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tiếp đó, phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc điểm qua những thành tựu trong bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc trong 3 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa qua, đồng thời nhấn mạnh vẫn còn một số vấn đề bất cập, nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc và vấn đề nguy cơ mai một văn hoá truyền thống của một số đồng bào dân tộc ít người. Do đó, rất cần xây dựng chiến lược phát triển vùng dân tộc miền núi...
 |
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn kết luận 3 vấn đề quan trọng từ Hội nghị :
Thứ nhất, việc tổ chức “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, không phô trương lãng phí đồng thời phải phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, xoá đói giảm nghèo của vùng miền, ở các địa phương, tại thôn, làng, bản, ấp... gắn với tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.
Thứ hai, ưu tiên các chương trình, hoạt động, việc làm thiết thực với đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, tập trung cho công tác truyền thông; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai đồng bộ, có hệ thống, lộ trình thích hợp thực hiện Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam..., ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc trong bảo tồn, phát triển văn hoá gắn với kinh tế - xã hội.
Thứ ba, các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc cần phù hợp hơn với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, phát huy vai trò của chủ thể văn hoá, các nghệ nhân dân gian... Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện không gian văn hoá, hoạt động, đề cao sự tham gia, đóng góp, thể hiện của chính chủ thể văn hoá từ các địa phương, vùng miền.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tặng bằng khen cho 12 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Huyền (Ảnh: ĐK)