Lễ hạ Nêu Xuân Quý Tỵ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Trong không khí đầu xuân năm mới, ngày 20/02/2013 (tức ngày mùng 11 tháng Giêng năm Quý Tỵ), tại Quảng Trường Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ hạ Nêu, một hoạt động ý nghĩa trong Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" được tổ chức tại "Làng".

Cây nêu có một vị trí đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỷ cầu mong một năm mới tốt lành mà còn là biểu tượng của cây vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp và đặc biệt với nghi thức dựng Nêu và hạ Nêu báo hiệu sự bắt đầu và kết thúc của những Ngày Tết truyền thống. Cây Nêu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được dựng vào ngày 23 tháng chạp năm trước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo nghi thức truyền thống, sau những ngày Tết, tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tổ chức Lễ hạ Nêu.

 

 Quang cảnh Lễ hạ Nêu

Buổi Lễ hạ Nêu vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương và địa phương tham dự.

 

 Đại biểu tham dự Lễ hạ Nêu

Phát biểu tại buổi lễ về ý nghĩa của truyền thống của cây Nêu ngày Tết, đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định: "Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng ý nghĩa thực của cây Nêu trong cộng đồng các dân tộc Viêt Nam dần trải rộng hơn thế. Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây Nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Viêt. Dựng Nêu ngày Tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ".

Đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát  biểu về ý nghĩa truyền thống của cây Nêu ngày Tết

Đồng chí khẳng định: "Việc thực hành nghi thức truyền thống tốt đẹp đó tại "Làng" không những góp phần phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp mà còn mang ý nghĩa về tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, cùng chung tay loại trừ cái xấu, cái ác, khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào của dân tộc".

Bày tỏ sự vui  mừng tham dự Lễ hạ Nêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh về các sinh hoạt văn hoá trong những ngày Tết cổ truyền không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta bước vào những mùa Xuân mới, đi đến những chân trời mới... Và tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nghi thức truyền thống này được tái hiện, biểu thị quyết tâm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước đi lên, khẳng định vị thế của Việt Nam, bản sắc của văn hoá Việt Nam...

Tiếp đó, Chủ tịch nước đã đánh trống báo hiệu phút hạ Nêu và cây Nêu chính thức được hạ xuống, báo hiệu thời điểm kết thúc những ngày vui Tết để bắt đầu bước vào một năm lao động, sản xuất mới. Chủ tịch nước đã cùng đồng bào các dân tộc nắm tay nhau chung vui các điệu múa trong niềm vui hồ hởi và phấn khởi càng thêm thắt chặt tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam.

 

Tiết mục văn nghệ hát xoan (Phú Thọ)

Chủ tịch nước trong vòng xòe đoàn kết cùng đồng bào

P.Hương (Ảnh:N.Hoa-P.Hương)