Tái hiện Hội đua bò Bảy Núi tại “Làng”
(LVH) - Sáng 21/11, tại Khu vực trục trung tâm Cổng A, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hội đua bò Bảy Núi chính thức được khai mạc. Lần đầu tiên, Hội đua bò được tái hiện tại "Làng" mang đến cho du khách tham quan Làng được thưởng thức những màn đua ấn tượng, kỳ thú về những chú bò Bảy Núi.
Tham dự buổi khai mạc có các đồng chí: Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN, Trưởng ban Tổ chức; các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL các tỉnh có đồng bào về tham dự các hoạt động của Tuần lễ, đông đảo nhân dân, du khách, phóng viên báo chí, truyền thông.
Phát biểu tại khai mạc đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN, Trưởng ban Tổ chức đã chia sẻ: "Để có được hoạt động này, trong gần 3 tháng qua, Ban Tổ chức Tuần lễ đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh An Giang dày công chuẩn bị các điều kiện cần thiết, và trong những ngày qua Đoàn cán bộ, nghệ nhân, đồng bào của tỉnh An Giang đã vượt qua hơn 2.100 km đường bộ, đưa 6 đôi bò đua ra Hà Nội để hôm nay chúng ta được chứng kiến một hoạt động đặc sắc, đem lại sự hấp dẫn và nhiều điều thú vị" và đồng thời nhấn mạnh "Hội đua bò Bảy Núi - một sinh hoạt thể thao - văn hóa đặc sắc, riêng có của đồng bào Khơ me Nam bộ vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em, là một biểu hiện thiết thực và sống động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và du khách quốc tế về bản sắc văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng".
 |
Đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban BQL Làng VHDL các DTVN, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc
|
Tại buổi khai mạc, ông Huỳnh Hồng Hiệp, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh An Giang phát biểu: Hội đua bò Bảy Núi là hoạt động văn hóa thể thao đặc thù riêng của tỉnh An Giang, là sân chơi lành mạnh, bổ ích. Đây là tập quán tốt đẹp cần được bảo lưu tạo sự vững chắc cho nền văn hóa dân tộc có sức đề kháng cao trước những yếu tố độc hại từ văn hóa bên ngoài tràn vào. Qua đó phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tôn vinh văn hóa truyền thống, tạo động lực mới cho phong trào toàn dân đoàn kết...
 |
Ông Huỳnh Hồng Hiệp, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh An Giang phát biểu
|
Theo thông lệ của người Khơ me ở An Giang, hàng năm vào mùa cấy, nông dân từ các phum, sóc kéo bò đến cày, bừa làm công quả ở các thửa ruộng của Chùa, dịp này chủ bò bắt cặp rủ nhau đua bò, dần về sau trở thành các cuộc đua bò vào mùa cấy giữa các đôi bò ở các phum, sóc và được các sư sãi ở chùa đứng ra tổ chức trao thưởng cho những đôi bò thắng cuộc.
 |
Quang cảnh diễn ra Hội đua bò
|
Khu vực đua được tái hiện trên một khoảng đất trống có chiều ngang khoảng 100m dài 120m, xung quanh được đắp bờ cao để người xem có thể trông rõ và cổ vũ cho cuộc đua. Đường đua có bề rộng khoảng 8 mét, được trục sới nhiều lần để tạo mặt bằng tơi xốp. Đất Đồng Mô có ưu điểm là lớp đất nền cứng, nhiều cát hơn thịt, không lún hoặc trơn trượt nên thích hợp cho cuộc đua. Trước cuộc đua, khu vực đua còn được bơm nước để nhằm tạo nên một lớp bùn mỏng giúp cho những đôi bò có thể chạy dễ dàng hơn. Hai bên đường đua có cắm cờ hiệu và căng dây để giới hạn đường đua.
 |
Những đôi bò thuần chủng, thân cao, nhanh nhẹn, chân cứng, móng nhỏ đều và khít, gân to, bắp thịt săn chắc, sừng nhọn cân đối
|
Để tham dự cuộc đua, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, giàn bừa là một tấm gỗ dày hơn 6cm, rộng 30cm, dài 90cm bên dưới là giàn răng bừa ngắn. Những người đàn ông Khơ me có vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn tay cầm một khúc gỗ đầu có gắn một đinh nhọn gọi là Xà-Lul điều khiển các đôi bò một cách thuần thục.
 |

Các đôi bò đi diễu hành trước khán đài
|
Cuộc đua gồm có hai vòng: Vòng đầu được gọi là vòng "hô" còn vòng sau là vòng "thả". Nếu vòng "hô" thể hiện sự khéo léo điều khiển đôi bò của người đứng bừa thì vòng "thả" mới là yếu tố quyết định của cuộc đua. Sau Lễ khai mạc các đôi bò tiến hành đi Tác (diễu hành) 10 phút vòng quanh trường đua. Trọng tài ra hiệu cho người đứng bừa đưa bò vào bãi rọng bò chuẩn bị thi đấu theo các mã số bốc thăm: Đôi số 1 với đôi số 6, đôi số 2 với đôi số 3, đôi số 4 với đôi số 5
 |
Các đội tập trung chờ thi đấu.
|
Trong vòng hô (đi bình thường), đôi bò sau được quyền qua mặt đôi bò trước nhưng không được vượt qua giới hạn đường ngang 8m, nếu đôi bò sau qua mặt sẽ được tính điểm đích số 2. Trường hợp một trong hai đôi phạm luật bị loại, đôi còn lại phải đi đủ số vòng "hô" và "thả", nếu vi phạm cũng sẽ bị loại. Mục đích của vòng này là cho đôi bò làm quen với sân đấu và thử tài khéo léo của người điều khiển đôi bò.
 |
Hai đôi bò trong vòng "hô"
|
Sau khi đi hết vòng “hô”, là tiếp ngay vòng “thả” (chạy đua) từ cờ vàng đến cờ xanh khoảng 20m nếu đôi bò sau đạp dẫm lên bừa đôi bò trước thì đôi sau thua (chưa đến vạch cho phép đạp bừa). Từ cờ xanh đến đích khoảng 80m - 100m nếu đôi sau đạp dẫm lên bừa đôi trước thì đôi sau thắng cuộc mặc dù chưa đến đích.
Khi đến mức vạch qui định bắt đầu vòng “thả”, dưới hiệu lệnh của trọng tài, người đứng bừa thúc mạnh gậy vào mông bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước. Nghệ thuật điều khiển các đôi bò là phải thúc đều cả 2 con để vận tốc tăng nhanh đều, cuộc đua trở nên hấp dẫn quyết liệt. Các con bò nỗ lực lao thẳng về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem...
 |
Tăng tốc về đích ở vòng "thả"
|
Cuộc thi đầy hào hứng, sôi nổi và không kém phần vui nhộn bởi tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả. Nhưng điều đặc biệt nhất của Hội đua bò Bảy Núi chính là tinh thần thể thao đầy thượng võ lẫn tính nhân văn sâu sắc. Tình yêu thương của người chủ đôi bò đã được được thể hiện rõ nét nhất từ khâu huấn luyện, chăm sóc cho đến lúc thi đấu, qua sự đồng cảm giữa người và vật trong cuộc đua…
 |
Khán giả cổ vũ nhiệt tình
|
Hội đua bò Bảy Núi sẽ tái hiện lần thứ 2 tại "Làng" vào lúc 14h -16h ngày 23/11, đây là cơ hội quý báu cho những du khách chưa có dịp được đến An Giang sẽ được trải nghiệm những vòng đua quyết liệt, thú vị, giúp cho du khách hiểu thêm đời sống của đồng bào các dân tộc miền sông nước, đồng thời chung tay góp phần gìn giữ các giá trị tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương