Hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Theo đó, Hội nghị đã diễn ra vào sáng nay, 20/11/2015, tại Nhà Công vụ, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các lĩnh vực: quản lý, chuyên gia du lịch, đại diện một số sở VHTTDL địa phương, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, tổ chức sự kiện,... trong cả nước.
 |
Quang cảnh Hội nghị
|
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam", tổ chức từ ngày 15/11-23/11/2015 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có các ông: Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” 2015; Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
 |
Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị
|
Hội nghị còn có sự tham dự của các đại biểu: ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch; ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch); PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch; lãnh đạo đại diện các Sở VHTTDL một số tỉnh/thành: Hà Nội, Điện Biên, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Bình Định, Trà Vinh; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, đại diện Ban Quản lý Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, tổ chức sự kiện, vận chuyển,...; các phóng viên báo chí, truyền thông.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và khẳng định: Sau một thời gian tích cực thực hiện đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, ngày 19/9/2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây viết tắt là Làng VHDL các DTVN) đã được khai trương và bước vào vận hành khai thác giai đoạn 1, đón khách du lịch đến tham quan. Trong 5 năm qua, với điều kiện vừa tiếp tục đầu tư xây dựng, vừa khai thác phục vụ hoạt động du lịch, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch, đặc biệt là giới thiệu không gian văn hóa dân tộc, tổ chức hoạt động của đồng bào các dân tộc, tạo nên nét đặc trưng riêng có, bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Trong 10 tháng đầu năm 2015, đã có gần 220.000 lượt khách du lịch, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Từ tháng 6/2015, “Làng” đã tổ chức các hoạt động thường xuyên theo chuyên đề, đặc biệt là từ tháng 10/2015 đã tổ chức thí điểm hoạt động hàng ngày của 02 cộng đồng dân tộc là Mường và Thái từ tỉnh Hòa Bình, Nghệ An tái hiện cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống tại chính không gian của dân tộc. Từ đầu 2015 đến nay (11/2015) đã có 25 doanh nghiệp du lịch thường xuyên gửi khách đến “Làng”, 16 công ty lữ hành đã xây dựng tour đến với “Làng”. Tuy vậy, hoạt động du lịch tại “Làng” vẫn còn một số tồn tại như: sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện, hoạt động chưa thực sự thường xuyên, cò thiếu các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách, hoạt động quảng bá còn hạn chế… Do vậy, để từng bước khắc phục những tồn tại đó, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đang xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2016 và định hướng 2016 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau: tăng cường đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch với nhiều hoạt động ngày càng thường xuyên, trong đó khai thác lợi thế ttrong việc có nhiều công trình kiến trúc dân tộc, các hoạt động lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc do chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu, đồng thời kêu gọi xã hội hóa, đầu tư tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách…
Tiếp nối phần đề dẫn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc (Làng VHDL các DTVN) đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nội dung giới thiệu đề cập đến các vấn đề tại “Làng” như: điều kiện, yếu tố góp phần hình thành sản phẩm du lịch, những đánh giá về mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch, vấn đề về các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở lưu trú, dịch vụ, du lịch vùng phụ cận, vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại, các nhóm giải pháp thực hiện ở “Làng”, đặc biệt, giới thiệu những nội dung dự kiến tổ chức các hoạt động, sự kiện tại “Làng” năm 2016, lịch và kế hoạch hoạt động năm 2016. Theo đó, dự kiến, năm 2016, lịch các hoạt động tổ chức tại “Làng” bao gồm: các hoạt động thường ngày, các hoạt động cuối tuần (dự kiến khoảng 38 đợt), các hoạt động chuyên đề phối hợp (dự kiến mỗi quý 1 chuyên đề), các hoạt động sự kiện thường niên.
Tiếp đó, Hội nghị đã lắng nghe 14 ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự tại Hội nghị.
Đề cập vấn đề phát triển du lịch “Làng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng: “Làng” cần có lộ trình và kế hoạch dài hạn cho vấn đề phát triển du lịch, đặc biệt là nghiên cứu vấn đề cơ chế thu hút đầu tư, cụ thể ở đây là kêu gọi đầu tư vào các phân khu đã được quy hoạch chi tiết trong Quy hoạch tổng thể của “Làng”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch, trong đó có vấn đề sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức, bộ máy nhân sự quản lý và làm du lịch, quảng bá du lịch…
PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch. Bên cạnh đó, ông cho rằng, để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư phải xác định thật rõ vị trí của “Làng” đó là, “Làng” phải trở thành khu du lịch Quốc gia, phải được xác định trong Quy hoạch chiến lược Du lịch Quốc gia. Đồng thời, phải xác định rõ vấn đề về phân khúc thị trường du lịch, du lịch phục vụ những đối tượng nào, loại doanh nghiệp du lịch nào có thể tham gia… Bên cạnh đó, vấn đề sát sườn đối với doanh nghiệp là sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch cuối tuần, mà sản phẩm này, ở “Làng” có thể thực hiện được ngay. Song song với đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến đều phải tính đến yếu tố du lịch…
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề đầu tư, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Làng” cần hướng vào những nhà đầu tư du lịch chiến lược. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc đưa khách lên “Làng” ra, trong vấn đề đầu tư, khai thác kinh doanh du lịch tại “Làng”, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng sản phẩm riêng, phù hợp tại “Làng”. Ngoài ra, “Làng” muốn có khách theo tour thì “Làng” nên có website riêng về các hoạt động du lịch…
Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: “Làng” cần trở thành thành viên của Hiệp hội Du lịch. Trong vấn đề thu hút nhà đầu tư, “Làng” cần hết sức quan tâm đến vấn đề cơ chế đầu tư trong đó có giá thuê mặt bằng, hành lang pháp lý... Bên cạnh đó, phải có chiến lược đầu tư cho du lịch, có khu dịch vụ du lịch, vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí. Đồng quan điểm này, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Làng” thực sự cần những nhà đầu tư lớn, có tầm cỡ chiến lược (ví dụ như tập đoàn: Sun Group, Vingroup)…
 |
Ông Lưu Đức Kế (thứ hai, từ phải sang), Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist phát biểu
|
Quan tâm đặc biệt đến vấn đề sản phẩm du lịch, các ý kiến tại Hội nghị hầu hết đều khẳng định quan điểm: “Làng” làm du lịch trên nền tảng văn hóa các dân tộc, vậy sản phẩm du lịch cần phải đứng trên quan điểm này để xây dựng thành các sản phẩm cụ thể.
Đóng góp trực tiếp cho Hội nghị về sản phẩm du lịch tại “Làng”, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, đại diện Hiệp hội Du lịch đề cập đến sản phẩm du lịch học tập dành cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên ở các trường học. Bà khẳng định, “sản phẩm” này hoàn toàn phù hợp và có thể xây dựng được ngay ở “Làng”, bởi theo bà, trên nền tảng văn hóa các dân tộc, “Làng” là địa điểm lý tưởng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch học tập cho học sinh, sinh viên với các chuyến tham quan dã ngoại, tìm hiểu văn hóa, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian…
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề sản phẩm du lịch, với sở trường của công ty là chuyên về tour du lịch dành cho khách quốc tế, bà Doãn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH ICS Việt Nam cho rằng, “Làng” cũng nên nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách thông qua các hoạt động văn hóa gắn với đặc trưng vùng, miền…
Đề cập và nhấn mạnh đến vấn đề nguồn nhân lực quản lý và làm du lịch, TS.Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch khẳng định: vấn đề nguồn nhân lực làm du lịch là một trong những vấn đề quan trọng nhất, bởi đây là yếu tố liên quan đến con người, “Làng” phải có nguồn lực con người làm du lịch và quản lý du lịch bài bản, chuyên nghiệp. Cùng với đó, không chỉ đồng hành, “Làng” rất cần sự “chung tay” cùng giúp sức, cùng chia sẻ, cùng làm của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong vấn đề phát triển du lịch “Làng”…
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lâm Văn Khang đã trân trọng cám ơn sự quan tâm, chia sẻ và những đóng góp ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị về vấn đề phát triển du lịch tại Làng VHDL các DTVN. Ông khẳng định: Từ các ý kiến tại Hội nghị cho thấy Ban Quản lý “Làng” trong thời gian qua mới chỉ tiếp cận vấn đề làm du lịch, bởi ở góc độ khách quan, do hạn chế về nhân sự quá ít ỏi. Tại Hội nghị này, “Làng” đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc, chân thành và tâm huyết, qua đó, cho thấy, bên cạnh “Làng” luôn có các nhà quản lý, các chuyên gia, những người làm văn hóa, du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Ban Quản lý “Làng” sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đó vào xây dựng đề án phát triển du lịch tại “Làng” trong thời gian tới. Và với ý thức cao về trách nhiệm khai thác sao cho hiệu quả đầu tư của Đảng và Nhà nước vào Làng VHDL các DTVN, thời gian tới, Ban Quản lý “Làng” xác định những nhiệm vụ cụ thể sau: trước hết, nghiên cứu và đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành cơ chế đặc thù cho “Làng”, chú trọng vấn đề thu hút các nhà đầu tư vào các khu chức năng, đặc biệt là, những khu chức năng ấy đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề phát triển du lịch. Thứ hai, xây dựng cơ bản Đề án phát triển du lịch, trước mắt trong đó, sớm xây dựng đội ngũ làm du lịch, đồng thời, hoàn thiện ngay một số sản phẩm du lịch và kết nối tới các công ty du lịch, lữ hành với định hướng, tới đầu năm 2016, sẽ có một số công ty du lịch đưa Làng VHDL các DTVN trở thành 1 điểm đến du lịch trong lịch trình tour. Thứ ba, sẽ phối hợp và mời từng nhóm doanh nghiệp du lịch, lữ hành để khảo sát, thảo luận, hoàn thiện sản phẩm du lịch phù hợp với từng lĩnh vực và nhóm hoạt động, song song với đó là đẩy mạnh, tăng cường hoạt động quảng bá du lịch cụ thể hơn nữa.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, trước đó, các đại biểu đã tới tham quan thực địa tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Huyền (Ảnh: Đào Loan)