Nét đẹp Lễ hội kết nghĩa buôn làng của dân tộc M’nông 

(LVH) - Sáng 22/10, Lễ hội kết nghĩa buôn làng đã được đồng bào M’nông đến từ xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Không gian văn hóa dân tộc M’nông hấp dẫn du khách

Phía chủ lễ đón chào khách...

Lễ hội kết nghĩa buôn làng là một trong những lễ hội độc đáo của đồng bào M’nông tỉnh Bình Phước, thường được tổ chức khi cộng đồng ở buôn, sóc này muốn kết nghĩa, thắt chặt mối tương giao với buôn, sóc kia thông qua già làng, những người có uy tín trong cộng đồng.

 

 ...dâng rượu bày tỏ niềm vui mừng khi khách đến buôn nhà

Lễ hội kết nghĩa buôn làng thường được tổ chức vào thời điểm nông nhàn, tùy theo điều kiện của dân làng hai bên, lễ vật sẽ được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Đây là Lễ hội mang đậm tính nhân văn, ngoài việc dâng lễ cúng tế thần linh, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt thì mục đích chính của lễ hội còn là cầu mong cho cộng đồng các buôn, sóc đoàn kết cùng nhau chống lại thiên tai, địch họa.

 

Chủ lễ lấy bánh chuối bột nếp nướng dâng tặng các thành viên nhà khách để tỏ lòng mến khách

Lễ hội kết nghĩa buôn làng do đồng bào M’nông tái hiện nằm trong khuôn khổ hoạt động tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc”tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, buổi lễ có sự tham dự của đại diện 15 cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại đây.

 

Chủ lễ già làng Điểu Xa Rông thực hiện các nghi lễ tại cây nêu

Tại buổi tái hiện, chủ lễ là già làng vai đeo xà gạc, mặc ồi, mang khố truyền thống, cổ đeo chuỗi hạt ngũ sắc, dắt một con dao côi ở thắt lưng. Các thành viên còn lại của đội tế; đội bê lễ vật; đội văn nghệ lễ hội trong trang phục truyền thống.

 

Chủ lễ già làng Điểu Xa Rông bôi huyết heo, gà, vịt lên cây nêu 

Buổi lễ bắt đầu bằng ba hồi tù và, già làng cử một đoàn cồng chiêng và đội múa đi đón khách, vừa đi vừa tấu bản mừng khách, đội múa đi sau múa theo nhịp. Khi đã đón khách đến sân lễ hội, phía chủ lễ dâng rượu bày tỏ niềm vui mừng khi khách đến buôn nhà, sau đó, dẫn khách về phía cây nêu tại sân chính lễ hội.

 

Chủ lễ già làng Điểu Xa Rông mời người phụ nữ lớn tuổi đại diện phía nhà khách uống rượu cần biểu trưng cho mối kết giao nghĩa tình thủy chung giữa hai buôn sóc.

Đội tế lễ của chủ lễ lấy bánh chuối bột nếp nướng dâng tặng các thành viên nhà khách để tỏ lòng mến khách. Tiếp đó, các thành viên nhà khách trao các lễ vật do mình mang đến cho chủ lễ để góp vui vào lễ hội. Nhà chủ lễ cùng già làng bày biện các lễ vật vừa nhận lên bàn lễ.

 

Sau khi kết thúc, các thành viên trong buôn cùng thưởng thức ẩm thực, ca hát chung vui 

Sau khi lễ vật đã bày biện xong, già làng phía chủ lễ và nhà khách đại diện hai buôn, sóc ngồi xuống hát đối đáp hỏi thăm mừng hội, trong khi đó, một nghệ nhân lớn tuổi thổi kèn bầu đệm màn hát đối đáp tượng trưng cho mối kết giao nghĩa tình giữa hai buôn sóc.

 

Nhiều đoàn du khách dừng chân tại không gian làng dân tộc M'nông để theo dõi lễ hội độc đáo của dân tộc M'nông

Sau khi xong màn đối đáp, già làng tiến về phía cây nêu, bôi huyết heo, gà, vịt lên cây nêu và khấn to lời với đại ý: ‘’Hôm nay ngày lành tháng tốt, sóc tôi dựng nêu, giết heo, giết gà thiết đãi các thần, mời các thần về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa của hai buôn sóc chúng tôi, hai bên nay đã ưng cái bụng, chung cái tình, kể từ nay cho đến muôn đời sau, hai buôn sóc chúng tôi đã là anh em một nhà, chung Yàng trời, Yàng đất, Yàng núi, Yàng sông, Yàng bên đông, Yàng bên tây!…’’

 

Thưởng thức ẩm thực cùng đồng bào M'nông sau lễ cúng

Dứt lời khấn, già làng mời người phụ nữ lớn tuổi đại diện phía nhà khách tiến hành nghi thức uống rượu cần, trong tiếng hò reo vui mừng biểu trưng cho mối kết giao nghĩa tình thủy chung giữa hai buôn sóc. Trong khi đó, dân làng cùng quây quần vui hội trong bản độc tấu gõ cối mừng hội đặc trưng, trong tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng, cùng nhau múa hát, thưởng các món ăn truyền thống...

Hải Yến