Đồng bào dân tộc Thái quảng bá văn hóa dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung” 

(LVH) - Là một trong 16 cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhóm nghệ nhân dân tộc Thái tỉnh Sơn La trong những năm qua đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Làng dân tộc Thái nằm trong cụm Làng I, thuộc Khu các làng dân tộc, nơi tái hiện không gian văn hóa, cảnh quan của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày - Thái, Tạng - Miến, Mông - Dao, Việt - Mường, Ka Đai.

Làng dân tộc Thái được xây dựng năm 2010 theo kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái được lấy mẫu ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Nghệ An và Sơn La. Không gian văn hóa Thái có diện tích 0,46ha, gồm các công trình: hai nhà sàn (diện tích 230m2), sân Hạn khuống (diện tích 49m2).
Hai nhà sàn được phục dựng theo mẫu nhà sàn của người Thái trắng và người Thái đen. Về cơ bản, nhà sàn của người Thái trắng và Thái đen giống nhau, nhưng cũng có một số nét khác nhau như: nếu nhà sàn của người Thái đen có mái hình mai rùa, cấu trúc lợp liền hai mái với hai trái thành một liên kết thì người Thái trắng làm nhà nguyên tắc 4 mái (hai mái chính và hai trái khu biệt rõ ràng). Đặc biệt, điểm dễ nhận biết nhất đó chính là khau cút (khau là cái sừng, cút là cái cụt, khau cút tức là cái đôi sừng cụt của con trâu) được trang trí trên nóc nhà chỉ có ở nhà người Thái đen (đối với người Thái đen, khau cút là một vật linh thiêng của ngôi nhà, họ rất kính trọng vật thiêng nên nhà nào cũng để ở nơi dễ thấy nhất, là hai đầu hồi, thậm chí, gia đình nào khó khăn, nghèo nhất cũng dùng hai thanh tre dài hoặc hai thanh gỗ bắt chéo lại, cũng được gọi là khau cút); ngoài ra còn có sự khác biệt về mặt bằng sinh hoạt, vị trí đặt cầu thang…

Nhà sàn mái hình mai rùa của người Thái đen

Kiến trúc nhà sàn mái hình mai rùa của người Thái đen (diện tích 108m2): Nhà sàn có 4 gian, mái hình mai rùa, lợp cỏ tranh, đầu đốc có khau cút, xung quanh nhà che vách nứa. Có hai cửa chính ở hai đầu hồi. Có hai thang ở hai đầu hồi. Khung nhà bằng gỗ, vách nhà bằng phên nứa, cấu kiện vì kèo, dui hoành bằng gỗ, buộc lạt, ngoãm, mộng đơn giản có gia cố, mái lợp cỏ tranh. Sàn và cửa đi bằng gỗ. Có 2 thang ở đầu hồi, trong nhà không phân chia ranh giới rõ ràng, không gian mở. Đi thang đầu hồi bên trái lên, phía bên vách hậu là bàn thờ ma và bàn thờ tổ tiên. Phần lộ thiên để ngồi hóng mát và phơi đồ.

Bên trong không chạm vẽ gì, nhưng trang trí nơi ngủ dọc theo vách hậu bằng thổ cẩm (màu sắc rực rỡ, nhiều mô típ hoa văn) là hình thức trang trí đặc biệt. Ngoài ra cửa sổ, cửa ra vào và lan can trước nhà cũng được trang trí.

Kiến trúc nhà sàn mái hình mai rùa của người Thái đen bắt nguồn từ truyền thuyết của đồng bào Thái rằng rùa đã dạy con người làm nhà, tránh thú dữ. Theo những người Thái đen cao niên kể lại, ngôi nhà sàn của người Thái đen ngày xưa gọi là nhà hình mai rùa, cấu trúc không có 4 mái, người ta lợp liền hai mái chính với hai trái thành một liên kết và mang hình mai rùa. Cái đầu, cái miệng là cái lối cầu thang chính, còn cái đuôi là lối cầu thang phụ.

Nhà sàn mái dốc thẳng của người Thái trắng

Kiến trúc nhà sàn mái dốc thẳng của người Thái trắng (diện tích 122m2): Nhà sàn có 4 gian, 4 góc mái vuông, lợp cỏ tranh, có khau cút, xung quanh nhà bằng gỗ. Có hai cửa chính ở hai đầu hồi bằng gỗ, mặt trước và sau nhà có cửa sổ. Có hai thang ở hai đầu hồi, hai thang lệch nhau, một thang nằm ở phía sau nhà, một thang nằm về phía trước. Khung nhà bằng gỗ liên kết mộng có gia cố kết cấu theo công thức kèo - cột - xà, vách nhà bằng ván mỏng, cấu kiện vì kèo, dui hoành bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh. Sàn nhà bằng ván gỗ mỏng. Thang chính đặt ở đầu hồi hành lang phía sau. Qua thang lên thẳng phòng tiếp khách, liền phòng khách về bên phải là buồng ngủ của khách, trước mặt là bếp. Cạnh bếp, giáp vách ngăn với sàn phía ngoài là nơi để đồ... Ngoài cùng là sàn để nước, sàn có thang phụ dành cho nữ giới qua lại. Hành lang ở giữa, trước nơi dành cho vợ chồng chủ nhà có bếp khách, bàn thờ tổ tiên cạnh phòng nghỉ của khách, tiếp đến là phòng ngủ của chủ nhà, cạnh đó là phòng ngủ của con gái, con trai chủ nhà. Bên trong không chạm vẽ gì, nhưng trang trí nơi ngủ dọc theo vách hậu bằng thổ cẩm (màu sắc rực rỡ, nhiều mô típ hoa văn) là hình thức trang trí đặc biệt. Ngoài ra cửa sổ, cửa ra vào cũng được trang trí.

 
Tái hiện Lễ Hạn khuống của dân tộc Thái

Sân Hạn khuống (diện tích 49 m2): Toàn bộ kết cấu bằng gỗ, phía sau hạn khuống có cầu thang gỗ, bao quanh sân là lan can bằng gỗ, mặt sàn hạn khuống cách mặt đất 1,45m. Trong tiếng Thái, "hạn" là sàn, "khuống" là sân, đất trong bản, "hạn khuống" có nghĩa là sàn sân được dựng ở ngoài sân, nơi biểu diễn văn nghệ dân gian cộng đồng.

Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, từ khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khai trương đi vào vận hành khai thác (19/9/2010), đồng bào dân tộc Thái đã về tham gia các hoạt động, sự kiện, và từ năm 2015 đến nay, đồng bào dân tộc Thái đã bắt đầu về hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo hình thức luân phiên.

Tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Thái

Tại đây, nhóm nghệ nhân dân tộc Thái đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc anh em và du khách tham quan thông qua tổ chức nhiều hoạt động như tái hiện lễ hội, phong tục, tập quán, dân ca dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công, nhạc cụ truyền thống,....

Làng dân tộc Thái là một trong những điểm đến thu hút du khách tham quan, tại đây, du khách sẽ được các hướng dẫn viên chính là các nghệ nhân dân tộc Thái giới thiệu các nét văn hóa một cách chân thực, sinh động, được lắng nghe âm thanh tuyệt vời từ các loại nhạc cụ truyền thống, thưởng thức ẩm thực, những những làn điệu dân ca dân vũ đặc sắc, các sản phẩm thổ cẩm, sản vật dân tộc,…qua đó tiếp cận gần hơn với văn hóa của dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, đó cũng sẽ là một trong những trải nghiệm ý nghĩa, thú vị cho du khách trong chuyến tham quan tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương