Giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ơ Đu (tỉnh Nghệ An)

(LVH) - Dân tộc Ơ Đu là một trong những cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam, người Ơ Đu sống theo gia đình nhỏ, tính phụ quyền bộc lộ rõ rệt trong gia đình nhiều hơn các dân tộc khác.

Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là người Tày Hạt, thuộc dân tộc ít người, Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu), cư trú chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đồng bào Ơ Đu có khoảng 600 người họ sống xen kẽ với đồng bào Thái, Khơ Mú và người Mông.

 

Người Ơ Đu tái hiệnTết Mừng tiếng sấm tại “Ngôi nhà chung”

Tiếng Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me, ngữ hệ Nam Á, nhưng các thế hệ người Ơ Đu còn lại đến giờ quên gần hết tiếng nói. Họ quên cả phong tục, tập quán. Một số rất ít ỏi đều trên 80 tuổi còn nói khoảng 100 từ cả những từ họ còn nhớ đã có sự pha trộn của cả ngôn ngữ Thái và Khơ Mú. Vì thế, những người còn nói được tiếng thì cộng đồng vô cùng coi trọng. Khi về già, người ơ Đu còn có ý thức học lại ngôn ngữ dân tộc để tìm về cội nguồn.

Phụ nữ Ơ Đu chuẩn bị đồ lễ tại "Ngôi nhà chung"

Người Ơ Đu sống theo gia đình nhỏ, tính phụ quyền bộc lộ rõ rệt trong gia đình nhiều hơn các dân tộc khác. Người đàn ông toàn quyền quyết định các việc trong gia đình, đàn bà không được hưởng quyền thờ tự. Xưa kia người Ơ Đu sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và muông thú.
 
Người Ơ Đu ở nhà sàn, kiến trúc nhà ở của họ thường có 4 mái, lợp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột nhà chôn xuống dưới đất. Ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà từ 1-3 gian. Khi dựng nhà bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính trước. Theo quan niệm của họ thì đó là cột góc ma ở. Sau mới đến các cột góc khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
Trong nhà, bếp của người Ơ Đu có 2 bếp, Phong tục tập quán của người Ơ Đu ngày xưa là phải có 2 bếp. Bếp đặt ngoài là bếp tiếp khách, không được nấu nướng, kể cả rau củ quả, thịt… cũng không được nấu mà chỉ được phép nấu cơm, tiếp khách và sưởi ấm. Còn bếp trong là bếp nấu nướng phục vụ bữa ăn gia đình. Phía trên gác bếp thường hay để đồ đan lát, dụng cụ nứa, tre mang trên rừng mà chưa kịp chẻ, đan sản phẩm thì bó lại để trên gác bếp cho khô.

Phụ nữ Ơ Đu trình diễn nhạc cụ tre nứa tại "Ngôi nhà chung"

Về Tôn giáo, tín ngưỡng của người Ơ Đu, họ gọi hồn là mẹ, ma là bụa, ma nhà là bụa rinh, chi phối mọi hoạt động của gia đình. Khi bị đau ốm họ cùng xin ma nhà đi bước nữa, tức cưới ma khác để vui không làm hại đến mọi người trong gia đình.

Đồng bào Ơ Đu giao lưu cùng cộng đồng các dân tộc đang sinh sống hàng ngày tại "Làng" và du khách tham quan

Văn hóa truyền thống của đồng bào Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chính những nét văn hóa riêng có ấy làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào Ơ Đu, tạo nên sự độc đáo cần được bảo tồn, gìn giữ.

Phạm Hương (Tổng hợp)