Lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Si La
(LVH) - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đồng bào Si La từng bước phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, phát huy và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục của người phụ nữ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Si La cần được gìn giữ và bảo tồn
Trước kia người Si La quen du cư, du canh, gần đây đã biết kết hợp vừa làm nương, vừa làm ruộng nước, sống định cư trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Đồng bào sống quây quần thành bản nhỏ, kín đáo, ở nhà đất hay nhà vách nứa, thường không có vườn, bếp đặt ở giữa nhà. Đặc biệt, với người Si La, tín ngưỡng và các lễ hội luôn song hành cùng nhau, tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, mang tính cộng đồng và ẩn chứa tính nhân văn sâu sắc.Trong tín ngưỡng văn hóa của người Si La, không thể không nhắc đến các tập tục như: Thờ cúng tổ tiên, Tết năm mới, lễ cơm mới, lễ bìa khớ (cúng bản), mía lô lô (cấm bản), lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng)… Trong đó, lễ cấm bản là lễ cúng quan trọng nhất trong năm, được đồng bào tổ chức trước các vụ sản xuất để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt; mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm…

Trong các lễ hội của người Si La những điệu hát với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu và các điệu múa. Đó là hát du, hát mừng năm mới, hát mừng nhà mới, hát mừng thọ, hát đối đáp nam nữ… giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người; các điệu múa của người Si La thường được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, Tết, đi cùng với các nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn môi, nhị 2 dây, nổi bật là chiếc sáo ngắn “Là pí” và sáo dài “Pờ tư thế lế”. Mặc dù chế tác thủ công từ tre, nứa đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên hòa quyện cùng giai điệu dân ca sẽ tạo ra âm hưởng riêng gây ấn tượng cho người nghe. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong văn hóa truyền thống của người Si La chính là trang phục của người phụ nữ. Cũng như các dân tộc khác, trang phục của người phụ nữ Si La cũng mang nét đẹp riêng và nổi bật. Đồng bào trồng cây bông vải lấy sợi se thành chỉ rồi nhuộm theo cách truyền thống để tạo sắc màu tự nhiên, sau đó, dệt nên những bộ trang phục của mình. Nhằm tô thêm vẻ đẹp cho váy, áo, các thiếu nữ Si La sử dụng những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, vòng trang sức gắn bạc, đồng... thân áo, váy và ống tay áo trang trí hoa văn theo bố cục hình học.

Đồng bào Si La đến đến từ xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã tái hiện Lễ mừng cơm mới tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Những hoa văn trang trí này được hình thành trong quá trình dài lao động, sản xuất, sáng tạo của người Si La. Đồng bào rất chú ý xen kẽ các màu vải với những hoa văn khác nhau: áo thường được may bằng vải đen, cổ áo rời, xung quanh cổ áo được viền hai dải vải xanh và đỏ. Đường khâu ghép giữa cổ và thân áo bằng chỉ màu và được khâu nổi để trang trí. Giữa thân áo được đính hàng chục đồng xu trắng theo hình rải quạt. Ngoài ra, phụ nữ Si La còn sử dụng những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và khăn đội đầu để trang trí cho trang phục của mình. Đáng chú ý, người Si La đã có những quy định khắt khe trong việc đội khăn theo từng lứa tuổi. Ví dụ, thiếu nữ thì buộc tóc sau gáy rồi quấn khăn trắng khâu bằng chỉ đỏ, xanh quanh bím tóc. Khăn đội đầu của phụ nữ đã có con là màu đen, được làm bằng vải xanh, đen, nếu sinh con gái hay trai đều có cách đội khăn khác nhau.

Đồng bào Si La đến từ bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu về tham gia các hoạt động tại không gian nhà dân tộc Si La, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Được sự quan tâm, hỗ trợ phát triển của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Si La đã được cải thiện đáng kể. Với những dự án hỗ trợ phát triển, bảo tồn văn hoá, và sự nỗ lực của những người con Si La tâm huyết với văn hoá dân tộc mình, không những được bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn ngày càng được đông đảo bạn bè các dân tộc trong và ngoài nước biết đến.
Thúy Nga (Tổng hợp)