Văn hóa Cơ Tu hiện hữu tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Nhà Gươl, nhà sàn, các lễ hội Lễ Mừng nhà mới, lễ Tạ ơn Yàng Xứ,.. hát dao duyên, hát lý, vũ điệu Tung tung za zá, kho tàng nhạc cụ truyền thống đàn abel, khèn bơrét, sáo alướt,…đó là một trong những bản sắc tạo nên nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu, thông qua nhóm nghệ nhân đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam càng làm cho giá trị văn hóa đó đến gần hơn với cộng đồng các dân tộc và du khách thập phương.

Làng dân tộc Cơ Tu nằm trong cụm Làng II, thuộc Khu các làng dân tộc, nơi tái hiện không gian văn hóa của 18 dân tộc sinh sống tại vùng Trường Sơn, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Đảo.

Làng dân tộc Cơ Tu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng theo kiến trúc truyền thống được lấy mẫu tại làng dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam, được xây dựng năm 2008. Diện tích khu vực xây dựng 3.877m2, diện tích công trình xây dựng 165m2, diện tích sàn 330m2, bao gồm: hai nhà sàn tổng diện tích xây dựng 112m2, một nhà rông diện tích xây dựng 53m2.

Nhà ở người Cơ Tu là nhà sàn, mái dốc, có hai chái như hình mai rùa. Mỗi hộ có một bếp lửa, không gian sinh hoạt trong một căn nhà không quy định chặt chẽ, các hộ gia đình thường ngủ quanh bếp lửa của chính mình. Nhà ở của người Cơ Tu còn có thể có các gian nhà phụ được làm thêm dùng làm kho hoặc chỗ ngủ, các gian phụ này mặt sàn thường cao hơn nhà chính. Nhà có thể có một hay nhiều cầu thang, trong một nhà sàn số lượng cửa phụ thuộc vào chiều dài của nhà, mỗi cửa bố trí một cầu thang. Nhà ở người Cơ Tu, cầu thang có thể đặt ở bốn phía. Mái nhà người Cơ Tu có độ dốc lớn, chủ yếu lợp bằng tranh, lá hèo, lá mây.

 

Nhà Gươl, công trình kiến trúc quan trọng in đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu, Nhà Gươl là nhà sinh hoạt cộng đồng. Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl, làng nào không có nhà Gươl thì làng đó đã mất gốc của người Cơ Tu. Nhà Gươl được làm theo hình mai rùa có cột ở giữa và xung quanh là các cột nhà, thể hiện sự đoàn kết các làng với nhau. Trên nóc nhà có con gà trống là con vật linh thiêng, nó giống như vị thần bảo hộ của người Cơ Tu.

 

Từ khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khai trương đi vào vận hành khai thác (19/9/2010), đồng bào dân tộc Cơ Tu đã về tham gia các hoạt động, sự kiện, và từ năm 2017 đến nay, đồng bào dân tộc Cơ Tu từ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu về hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo hình thức luân phiên.

 

Tại đây, nhóm đồng bào đân tộc Cơ Tu đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng các dân tộc anh em và du khách tham quan thông qua việc tổ chức các lễ hội, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian như: Lễ Mừng nhà mới, lễ Tạ ơn Yàng Xứ, lễ Mừng nhà Gươl, lễ hỏi cưới, lễ dựng cây nêu; Biểu diễn những làn điệu dân ca, như hát dao duyên, hát lý, dân vũ với điệu múa đặc trưng Tung tung za zá hay còn gọi “vũ điệu dâng trời”, giới thiệu kho tàng nhạc cụ dân tộc với nhiều loại hình, âm sắc, tiết tấu đa dạng như: đàn abel, đàn tâm bét alui, đàn Jum bre, khèn bơrét, sáo alướt, sáo tơrét, trống, chiêng v.v...

 

Bên cạnh đó, các hoạt động hàng ngày của đồng bào như: chế tác nhạc cụ, đồ thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực dân tộc, phong tục tập quán, chăm sóc cảnh quan, giới thiệu các sản vật của dân tộc Cơ Tu và tỉnh Thừa thiên Huế vân vân...

 

Tại không gian văn hóa Cơ Tu, du khách sẽ được các hướng dẫn viên chính là nghệ nhân Cơ Tu đang sinh sống tại đây, giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc mình một cách chân thực, sinh động với sự đón tiếp cởi mở, chân thành, sẽ mang đến những giây phút trải nghiệm ý nghĩa cho du khách trong chuyến đi tới “Ngôi nhà chung“.

Hải Yến