Những nét đẹp trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc X’tiêng
(LVH) - Đồng bào X’tiêng hiện ở Bình Phước có dân số trên 198.884 người. Hiện nay đồng bào X’tiêng ở Bình Phước sử dụng quần áo có cung cách giống như người Việt. Những loại khố, váy ngắn, váy dài, quầy, tấm đăp, túi xách, mền, địu con… truyền thống chỉ còn một số người lớn tuổi dùng hoặc cộng đồng sử dụng trong những lễ hội lớn như: Lễ hội mừng luá mới, Lễ hội quay đầu trâu, Lễ hội đâm trâu…

Trang phục truyền thống của già làng dân tộc X’Tiêng tại Lễ hội cầu mưa của người X’tiêng tỉnh Bình Phước được tái hiện lại tại Làng Văn hóa - Du lich các dân tộc Việt Nam
Ngay từ thời xa xưa đồng bào X’Tiêng đã tự đan cho mình những bộ trang phục để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, trang phục của người X’tiêng ẩn chứa nhiều nét hoang dã của một cư dân sinh sống lâu đời ở núi rừng Bình Phước. Loại trang phục cổ xưa nhất của cộng đồng tộc người X’tiêng được làm từ những vỏ cây rừng lành tính, không độc. Người X’tiêng tìm chúng trong rừng, bóc lớp vỏ xơ phía trong, cắt thành từng tấm, đập dập, ngâm ở suối lâu ngày để chỉ còn lại xơ trắng muốt, sau đó họ phơi khô và may thành áo bằng sợi mây rừng.
Trong những dịp lễ hội người đàn ông X’tiêng thường mặc khố dài từ 2m -5m, rộng 30cm, hai mảnh tước và sau phủ tận mắt cá chân. Khố dài thường dệt bằng vải bông, hoa văn trang trí được làm từ chỉ màu, hạt chì, hạt cây và đính thêm lục lạc bằng đồng ở viền. Để có một tấm khố dài, người phụ nữ X’tiêng cùng với khung dệt thô sơ phải mất ít nhất một vài tháng cặm cụi mới dệt xong chiếc khố để sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong mỗi dịp bon, sóc tổ chức các nghi lễ. Khi đàn ông X’tiêng mặc khố một tay giữ một đầu khố ở phía trước bụng, phần còn lại luồn qua hai chân ra phía sau, vòng lên phía hông phải, quấn quanh bụng và luồn qua mảnh khố phía trước hai vòng, phần còn lại sẽ được giắt ngược lên giữ phần khố đi qua hai chân với các vòng quấn phía trên, sau đó thả xuống phía sau tạo thành hai mảnh vải che trước và sau. Ngày xưa người phụ nữ X’tiêng thường để ngực trần, mặc váy hở hoặc váy kín, khi trời xe lạnh họ quấn thêm tấm váy ngắn lên nửa người để tránh cái se lạnh của núi rừng Nam Trường Sơn. Trong lễ hội hoặc khi có khách lạ vào làng, phụ nữ X’tiêng thường mặc kiểu váy dài quần cao quá ngực, mép dưới phủ đến cổ chân hoặc váy ngắn cùng với áo. Váy hở được tạo ra từ tấm thổ cẩm có kích thước chiều ngang (1-1,2m), chiều dọc (0,8-1m), khi sử dụng váy được cuốn quanh vùng eo, hông sau đó giắt phần nút của tấm thổ cẩm vào cạp váy.

Trang phục của chàng trai, cô gái dân tộc X’tiêng
Váy kín của ngươi phụ nữ X’tiêng được may rất đơn giản, họ sử dụng tấm vải dệt dài chừng 1,5m, rộng khoảng 50-60cm, để nguyên, quấn vào phần dưới người hoặc gấp đôi lại may thành hình ống, tùy thuộc vài kích thước từng người mà người dệt thổ cẩm ướm chừng cho phù hợp. Khi mặc, họ kéo cho vừa lưng, lấy phần dư ra lộn lại và nhét vào thắt lưng, dùng dây thắt váy thắt lại.Bên cạnh loại váy hở, kín, người phụ nữ X’tiêng còn có loại váy dài dùng để quấn quanh từ ngực trở xuống. Để cố định chiếc váy trên cơ thể, phụ nữ X’tiêng còn dùng đến dây thắt được dệt bằng sợi vải, rộng khoảng 3cm - 4cm, dài hơn 1m, được dệt khá công phu, bền chắc, thường có màu trắng màu nguyên thủy của sợi bông chen lẫn những hoa văn (hạt cườm) nhỏ màu đen nhạt. Hai đầu dây thắt váy thường có tua vai để kết những sợi cườm. Khi thắt vay người mặc giữ một đầu sợi dây bên hông chừa ra một khoảng dài chừng 10cm, sau đó quấn hai vòng qua trước bụng ra sau lưng, đè lên đầu dây đang giữ và giắt phần còn lại vào phía hông bên kia, bên dưới các vòng dây đã quấn.

Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống của dân tộc mình tại một lễ hội diễn ra tại "Ngôi nhà chung"
Hoa văn trên trang phục thường được tạo theo dải nằm ngang, các dải hoa văn chính với độ rộng không đồng đều, lớn nhất và cũng tập trung nhất là dải gần gấu váy, số còn lại được phân giữa váy và sát mép trên. Các đồ án trang trí bằng chỉ màu kết hợp tạo nên những khung dải rực rỡ trên nến sẫm của váy, chen với nó là hệ hoa văn phong phú được làm từ kỹ thuật kết cườm trắng. Trang phục của người phụ nữ dùng trong lễ hội có hoa văn cầu kỳ, được tạo bởi các hạt chì hay cườm trắng, bên dưới gấu, viền thường đính thêm tua hạt chì, lục lạc bằng đồng để sau bước nhảy múa cùng vũ điệu cồng chiêng các chuông nhỏ lại vang lên những âm thanh vui tai, tạo nên không khí tưng bừng cho lễ hội.Hiện nay, trong vấn đề trang phục, nếu so với nam giới thì trang phục của người phụ nữ X’tiêng đầy đủ về chủng loại áo, váy ngắn, váy dài,dây thắt lưng, túi xách, khăn đội đầu hay chiếc vay dài quấn từ ngực xuống. Bộ phận người X’tiêng đặc biệt là lớp trẻ sống gần với người Việt, đã có dấu hiệu giã từ nghề dệt trong hoạt động thủ công nghiệp của mình và sử dụng sản phẩm may mặc, mẫu mã đa dạng của người Việt. Những bộ váy áo truyền thống, những tấm đắp, quầy, khố, túi xách, địu con, khăn đội đầu…

Đồng bào X'tiêng tỉnh Bình Phước về tham gia hoạt động tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Nhưng nếu bạn chưa có dịp đi đến tận Bình Phước để tìm hiểu về trang phục và văn hóa lễ hội truyền thống của họ thì hãy đến ngay Làng Văn hóa - Du lich các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) trong những dịp cuối tuần, các ngày lễ, để cùng nhau khám phá những nét đẹp trang phục từ người già đến các em nhỏ X’tiêng đều mang trên mình bộ trang phục với những hoa văn, sắc màu rực rỡ trên nền vải thổ cẩm như những đoá hoa khoe sắc giữa núi rừng đại ngàn, tất cả đã làm nên một bức tranh văn hoá X’tiêng ấn tượng và khó quên.
Thúy Nga