Nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Lào
(LVH) - Dù chung một quốc gia nhưng mỗi dân tộc lại có một bản sắc riêng về trang phục, văn hóa, tiếng nói và các phong tục tập quán, qua đó tạo nên bức tranh đa sắc màu của dân tộc Việt Nam. Du khách hãy đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) để tìm hiểu thêm nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc Lào nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung đang hoạt động và sinh sống tại nơi đây nhé.

Nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc Lào đến từ xã Mường Lạn và Mường Và huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã về hoạt động thường xuyên từ giữa tháng 12/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đồng bào dân tộc Lào, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La luôn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa dân tộc, nhất là trang phục truyền thống. Trang phục của bà con xã Mường Và là dòng trang phục Lào Nọi, có màu sắc chủ đạo là trắng, hồng, vàng, tím, xanh, được nhuộm bằng vỏ, lá cây rừng. Các họa tiết trang trí thêu trên nền vải tơ tằm, vải sợi lanh hoặc vải sợi bông.

Trang phục nam (suổng sửa Lao) gồm áo có tay ngắn, thân áo được may thuôn rộng, có hàng cúc cài trước ngực; quần may bằng vải nhuộm chàm, khi mặc dùng dây lưng thắt bên ngoài hoặc dây rút... Còn trang phục nữ (sỉn sửa Lao) gồm áo ngắn, cộc tay hoặc dài tay, có hàng cúc cài thẳng hoặc chéo và váy ống dài buông ngang tầm bắp chân, khăn cài chéo. Theo truyền thống, trang phục của bà con dân tộc Lào được may bằng vải làm từ sợi bông, tơ tằm, phải tự nhuộm màu, dệt vải. Hoàn thiện một bộ trang phục nam hoặc nữ phải mất ít nhất 1 tháng, vì phải làm thủ công hoàn toàn.

Trang phục truyền thống của dân tộc Lào
Đồng bào dân tộc Lào thường dệt hoặc thêu nhiều loại hoa văn lên vải thổ cẩm, dùng làm áo, váy, khăn cài chéo. Phổ biến nhất là hoa văn họa tiết cách điệu hình con rồng 2 đầu, con chim công 2 đầu, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, cây cối, hình chùa tháp nhiều tầng, hình người cưỡi voi…
Mỗi nét hoa văn, họa tiết trên trang phục thể hiện nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, gắn với nhiều sự tích khác nhau, mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, sự may mắn cho người sử dụng trang phục. Ngày nay, thế hệ trẻ trong bản đã phát triển thêm nhiều loại hoa văn, họa tiết thêu trên trang phục mô tả các loại hoa lá, cây cỏ, muông thú trong tự nhiên.

Ở bản Mường Và, một số người dân vẫn duy trì dệt vải, thêu may trang phục, thổ cẩm dân tộc Lào. Công việc này được làm quanh năm hoặc vào những thời gian nông nhàn. Làm được 1 bộ trang phục phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu tơ tằm, bông hay lanh; kéo sợi, nhuộm màu, dệt vải, thêu hoa văn họa tiết, cắt may... tất cả được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, nên phải kiên trì làm được.

Những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lào được mặc vào những dịp Lễ, tết hoặc những dịp trọng đại của gia đình
Bà con dân tộc Lào bản Mường Và đã cách tân trang phục của mình bằng những bộ trang phục may đo bằng các loại vải công nghiệp. Áo của phụ nữ có phần dưới xếp ly, bồng bềnh đẹp mắt hơn; nam giới sử dụng quần Âu tối màu thay cho loại quần truyền thống nhuộm chàm.
.jpg)
Áo và khăn cài chéo của phụ nữ dân tộc Lào bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp,tỉnh Sơn La
Hiện nay, đồng bào dân tộc Lào trong bản chủ yếu mặc trang phục truyền thống vào những dịp tết cổ truyền, tết khảu hó, Lễ hội “xên bản, xên mường” hoặc những dịp trọng đại của gia đình. Bà con dân tộc Lào bản Mường Và huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã và đang giữ gìn, phát huy nét đẹp trang phục của dân tộc, làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thúy Nga