Giới thiệu vài nét về làng dân tộc Brâu tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Làng dân tộc Brâu nằm trong Khu Các làng dân tộc II, thuộc Khu Các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khu Các làng dân tộc có điểm nhấn là 04 dự án đầu tư xây dựng thực hiện tái hiện không gian văn hóa - kiến trúc truyền thống văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.
Trong đó, Khu Các làng dân tộc II là một công trình có quy mô lớn, nơi tái hiện, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc sắc của 18 dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Trường Sơn, Tây Nguyên. Quá trình lập Dự án, ngoài quy trình theo quy định chung về công tác đầu tư xây dựng còn phải thực hiện công tác khảo sát, điền dã, lấy ý kiến đóng góp của nhiều cấp nghành, địa phương và của chính chủ thể văn hóa.

Nhà ở của dân tộc Brâu tại Làng VHDL các DTVN
Khu Các làng dân tộc II gồm các công trình văn hóa và cảnh quan các dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng văn hóa Nam Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên có hệ ngôn ngữ Môn - Khơ me, Nam Đảo. Nơi đây là không gian kiến trúc truyền thống của 18 dân tộc: Ba Na, Bru - Vân kiều, Tà Ôi, M’nông, Mạ, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Xtiêng, Rơ Măm, Hrê, Cơ Ho, Cor, Raglai, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu, Brâu, Chứt.
Trong đó, làng dân tộc Brâu được xây dựng trên khu đất có diện tích là 6.370m2, bao gồm: 01 nhà rông: diện tích xây dựng: 55m2; 03 nhà sàn: tổng diện tích xây dựng: 120m2; 02 nhà mồ: tổng diện tích xây dựng: 40m2; 10 tượng mồ.
Cây nêu trước nhà rông của dân tộc Brâu được dựng lên do chính chủ thể văn hóa đến từ làng Đăk Mế, Ngọc Hồi, Kon Tum
Nhà rông của người Brâu là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, các hoạt động văn hóa của cộng đồng… Với đặc điểm giống như nhà rông của dân tộc Ba Na, nhà rông của dân tộc Brâu có độ dốc mái lớn, đỉnh mái được thu hẹp, gồm nhà 3 gian, hai cạnh dài của nhà hình vòng cung.

Đồng bào dân tộc Brâu tái hiện Lễ cúng trỉa lúa tại “Làng”
Nhà ở của dân tộc Brâu là nhà sàn, ngắn, mái dốc, là nơi sinh sống của một gia đình nhỏ. Nhà sàn không bố trí cầu thang ở chính diện, bố trí ở đầu hồi bên phải ngôi nhà, bếp lửa được bố trí ở ban giữa. Nơi ăn chốn ở luôn luôn ở gần bếp lửa. Gần cầu thang là nơi để nước, là sân rửa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhà sàn được bố trí một cầu thang ở chính diện hoặc một cầu thang ở chái phía nhà. Chái được đưa ra ngoài như mái hắt để che phần tiền sảnh.
Nhà mồ của dân tộc Brâu được tạo dựng và trang trí khá đơn giản theo truyền thống của đồng bào. Tượng mồ được sưu tầm từ các buôn làng.

Du khách tham dự lễ hội Lễ cúng trỉa lúa của cộng đồng dân tộc Brâu đến từ làng Đăk Mế
(xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tái hiện tại làng dân tộc Brâu, Làng VHDL các DTVN.
Năm 2014, làng dân tộc Brâu tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đã đón cộng đồng dân tộc Brâu đến từ làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) lưu trú nhiều ngày để tham gia các hoạt động giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của mình cho du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Phạm Hương