Thưởng thức những làn điệu dân ca Thái tại "Ngôi nhà chung"
(LVH) - Dân ca là một thể loại hát truyền thống của đồng bào các dân tộc, mỗi dân tộc lại có những thể loại hát dân ca khác nhau, mang đậm nét văn hoá của tộc người. Dân ca Thái cũng vậy, được bắt nguồn từ môi trường sống lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa người Thái nên mang những nét đặc trưng của văn hoá rất riêng của tộc người.
.jpg) |
Những lời ca tiếng hát ngọt của các cô gái Thái
|
Tìm hiểu về các làn điệu dân ca Thái được bắt nguồn từ môi trường lao động, sản xuất và sinh hoạt. Phần lời ca vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa thành những câu thơ giàu nhạc điệu, người nghe tìm được ở đó những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế… Khi lời hát cất lên thường làm cho người cảm thụ suy nghĩ, da diết và sâu lắng. Hát dân ca thường được tổ chức trong các sinh hoạt cộng đồng, hội hè, đám hiếu hỷ. Trong lao động sản xuất, bà con cũng hát cho vơi bớt mệt nhọc, cho thỏa tâm tư nỗi niềm.
 |
Làn điều dân ca ngọt ngào và những điệu múa điêu luyện của các thiếu nữ dân tộc Thái
|
Điều nổi bật của hát dân ca với các làn điệu khác trong hát Thái chính là phần thanh nhạc khi người hát sử dụng, cách ngắt âm, ngắt nhịp, tiết tấu của bài hát. Do đó, từ xa xưa người Thái đã biết chế tạo các loại nhạc cụ và lưu truyền đến ngày nay, đó là trống, chiêng, tính tẩu, nhị, sáo, kèn nứa. Những nhạc cụ này phần lớn có thể làm nhanh để sử dụng với nguyên vật liệu ở rừng rất nhiều và dễ kiếm, chọn lựa. Theo các nghệ nhân dân tộc Thái đang sinh sống và hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”; cho biết, dân ca Thái có nhiều làn điệu, “Khắp báo xao” - hát trai gái, “khắp chiều” - hát reo, “khắp xơng” - hát thương, “khắp cạ” - hát chơi… Đầu tiên là những lời hò, tiếp đó đến đoạn ngân vang 1 - 3 câu rồi kết bằng số đông nhiều người cùng cất tiếng hò. Hát trai gái - hình thức tỏ tình bằng lời hát là phổ biến nhất, có hàng chục làn điệu với các chủ đề khác nhau như: Chào hỏi, giới thiệu làm quen, kể gia cảnh, bày tỏ tình cảm, chia tay…Lời bài hát giao duyên được chuyển tải từ những bài thơ hoặc do người hát tự ứng tác cho phù hợp với nội dung, ý nghĩa mà người hát bên kia gửi gắm.
Đối với đồng bào Thái, đám cưới là một dịp đại hỷ của gia đình, mừng vì con trai, con gái mình đã tìm được người yêu, người tâm đầu ý hợp. Gia đình tổ chức đám cưới mời cả bản đến dự, hát mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Hát trong đám cưới dân tộc Thái có rất nhiều bài hay, dài. Nội dung các bài hát đám cưới thường là hát khuyên con gái khi về nhà chồng, hoặc khi đón con rể lên nhà gái như: hát đưa dâu, hát xin dâu, hát đón con rể, hát bảo con gái khi ở nhà chồng…Người Thái nổi tiếng với thể loại hát Then, sử dụng phổ biến trong các nghi lễ thờ cúng, thường được tổ chức trong những dịp lễ, tết có ý nghĩa cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
 |
Lời ca tiếng hát ngọt ngào được cất lên trong khuôn viên thật đầm ấm tại "Ngôi nhà chung"
|
Đến nay, Đàn tính hát then với những làn điệu dân ca và những động tác múa uyển chuyển không chỉ đi vào tâm thức của nhiều người. Cũng như nhiều dân tộc khác, trẻ em dân tộc Thái cũng có đồng dao. Đó là những bài hát gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Bài đồng dao “Bươn ơi” - Trăng ơi, thì hầu như trẻ em người Thái thường được các thế hệ đi trước truyền dậy… Những bài hát đồng dao thường chỉ vần theo bài hát, không có ý nghĩa xuyên suốt trong một bài nhưng giúp cho con người thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương mình. Ngoài ra, thể loại hát “Khắp một” - dùng lời hát để chữa bệnh cũng thường được dùng ở cả nhóm Thái đen và Thái trắng.
 |
Giao lưu vòng xòe cùng du khách tại không gian Làng dân tộc Thái
|
Để những nét đặc sắc của dân ca Thái tiếp tục được phát huy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa, rất cần sự chung tay của cộng đồng người Thái tại các địa phương trong việc lưu giữ, truyền lại các làn điệu dân ca, dân vũ Thái cho thế hệ sau. Chính vì vậy, Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thường xuyên huy động các cộng đồng dân tộc về “Ngôi nhà chung” hoạt động luân phiên để không mai một giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung.
Thúy Nga