Tái hiện Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày ở Cao Bằng tại Ngôi nhà chung

(LVH) - Ngày 21/11/2013, tại làng Tày thuộc Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tái hiện lễ hội Nàng Hai, tức Nàng Trăng, một lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày ở Cao Bằng, đậm nét tín ngưỡng cầu phúc cầu mùa với cuộc hành trình lên trời đón mẹ trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, giúp nhân dân việc đồng áng, mùa màng bội thu, cho muôn nhà hạnh phúc.

Trước khi diễn ra Lễ, đồng bào Tày đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. Phần lễ vật gồm có 01 con lợn đã được mổ phanh, 01 con gà trống thiến luộc, 01 mâm thổ thần thổ địa gồm 03 bát hương, 02 mâm xôi màu, mô hình thuyền gỗ, bè mảng, tượng trưng cho phương tiện và sức mạnh vượt biển. Cạnh nhà ở của đồng bào Tày có miếu thổ công. Trên các cột của miếu thổ công có dán giấy đỏ viết chữ Nho với nội dung: thần thổ công ở đây, người thịnh vật cũng thịnh và bình an. Phía trước nhà ở, đồng bào dựng lán Hai, lợp mái, trải chiếu, trang trí cây cỏ hoa lá…

Theo quan niệm của đồng bào Tày, trên cung trăng có các mẹ trăng và 12 nàng tiên là con các mẹ trăng. Hàng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho dân chúng trần gian. Do vậy, theo lệ, đồng bào Tày thường tổ chức lễ hội Nàng Hai trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trình tự lễ diễn ra theo 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiến Hai.

Đầu tiên là lễ đón Hai, tức lễ mời mẹ trăng xuống trần gian. Thầy bụt đến miếu thổ công cầu khấn thành hoàng thổ công xin được đón mẹ Hai xuống trần gian. Sau đó, thầy bụt tụng niệm tượng trưng lên mường trời để truyền cho mẹ Hai biết hôm nay nhân gian mời mẹ Hai xuống để vui hội trần gian, giúp việc đồng áng và cầu phúc cho dân. Việc đón mời mẹ Hai là một hành trình vô cùng vất vả gian nan. Hai cô gái được chọn để hồn Hai nhập vào sẽ thực hiện nghi lễ và khi xoay tròn nghĩa là lúc đó mẹ Hai đã nhập. Từ giờ phút đó, hai cô gái là hai tiên nữ giúp dân cầu mùa, cầu phúc.

Tiếp đó là lễ cầu Hai, là lễ chính. Nàng Hai mang mâm lễ ra miếu thổ công để trình diện xin được tổ chức lễ hội. Sau đó đưa đoàn người đi vào lán Hai. Thầy bụt sẽ lần lượt làm lễ cúng 12 mẹ trăng, mỗi mẹ trăng trông coi một phần việc đồng áng và cầu phúc. Bà dẫn đưa các Nàng Hai vừa đi vừa múa hát xoay tròn tượng trưng cho hành trình lên mường trời qua 12 cửa ải, xin các mẹ trăng cầu phúc, cầu mùa và đã được đền đáp đầy đủ.

Kết thúc là lễ tiến Hai tại lán Hai, nhân dân làm lễ tiễn các mẹ trăng về trời. Nàng Hai, bà dẫn và các cô gái ra lán Hai múa hát. Nàng Hai hát múa vài vòng rồi phá dỡ lán Hai và mang đi thả xuống sông. Kết thúc lễ hội.

Trong lễ hội Nàng Hai, phần hội chính là hát xướng trong các nghi thức mời, cầu và tiễn mẹ trăng và cùng với các hình thức hát giao duyên, hát cầu mùa của dân bản trong lễ tiến Hai.

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào Tày, thể hiện ước vọng của đồng bào vào lực lượng siêu nhiên với trí tưởng tượng phong phú, hình thức diễn xướng lễ độc đáo, đặc sắc.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Trước khi làm lễ, đồng bào chuẩn bị đồ lễ từ sớm, luộc gà, đồ xôi...

... và mổ lợn

Dựng lán Hai...

Bàn thờ lán Hai, để sẵn mô hình thuyền, bè mảng để thả sông

Các cô gái Tày tập hát múa tại lán Hai chuẩn bị cho buổi lễ

Thầy "bụt" làm lễ tại miếu thổ công...

Bà dẫn đốt vàng mã mời nàng Hai "về"

Sau khi Nàng Hai "về", thầy bụt làm lễ cúng 12 mẹ trăng...

Lễ tiến Hai tại lán Hai, nhân dân làm lễ tiễn các mẹ trăng về trời

Dỡ lán Hai, mang đi thả sông

Minh Huyền  (Ảnh: Ánh Ngọc)