Người Thái tỉnh Hòa Bình với Lễ hội Chá Chiêng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LVH) - Trong khuôn khổ “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” Xuân Giáp Ngọ 2014, sáng ngày 17/02/2014 tức ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, dân tộc Thái đến từ huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình đã tái hiện trích đoạn lễ hội Chá Chiêng, một trong những lễ hội đặc biệt gắn với bản thân người thầy mo.
Theo quan niệm xưa của đồng bào, thày mo hay còn gọi là Mùn, Mường là người có uy tín lớn trong cộng đồng. Thày mo còn là người cùng cai quản bản mường, được tôn xưng là con trời, có khả năng giao tiếp với thần linh. Những người bệnh được thầy chữa khỏi tự nguyện trở thành con nuôi của thầy mo, gọi là Lục mày hay Lục liểng, Lục nà. Với ý nghĩa lễ tạ ơn thần linh, mời quan quân ở "Mường Trời" xuống "Mường trần" ăn cỗ, cứ ba năm 1 lần, Lễ hội Chá Chiêng được các con nuôi của thày mo tổ chức vào mùa Xuân.
Sáng ngày 17/02/2014, tại không gian nhà dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I, cộng đồng dân tộc Thái đã tái hiện trích đoạn Lễ hội Chá Chiêng, phần nghi lễ.
 |
Cây hoa Chá, trung tâm của Lễ hội
|
Thứ không thể thiếu trong lễ hội này là cây hoa Chá đã được bà con chuẩn bị từ nhà. Trụ cây hoa là một cột tre cao. Ở trên cùng của cây Chá là bông hoa bua giùa, bông hoa suốt đời không héo (Boóc bua giùa báu hủ sụt chua) tượng trưng cho sự linh thiêng và sức mạnh vĩnh hằng của ông Mùn. Ở phía dưới có những lỗ để các con nuôi của ông Mùn cắm một cành hoa do mình mang đến. Cành hoa này được chế tác rất khéo léo, công phu từ loại gỗ mềm gọi là phá phước. Lễ vật trong lễ hội thực tế được con nuôi của thày mo, bà con họ hàng xóm mang theo gồm rượu, gà cùng một số hoa quả và một cành hoa Chá nhưng trong khuôn khổ tái hiện trích đoạn, bà con đặt một mâm lễ tượng trưng dưới cây hoa Chá, gồm một số quả quen thuộc và ché rượu cần.
 |
Thày Mo bên mâm lễ
|
Mở đầu, chủ lễ diễn xướng bài mo xin Then Luông (Trời, Ðấng tối cao) ban cho ông Mùn có phép thuật và sức mạnh của thần linh để làm lễ Chá Chiêng. Sau đó, ông Mùn hát mo Láng bản, Láng mường (rửa bản, rửa mường) nhằm xua đuổi ma quỷ, cầu may cho nguồn nước trong lành, con người khỏe mạnh, muôn vật sinh sôi nảy nở. Sau bài cúng là các trò diễn và các lời hát phản ánh đời sống văn hóa của người Thái, phê phán các thói hư tật xấu, nhắc nhở mọi người nhớ đến những ân tình đã được nhận…
 |
Diễn trò và nhảy múa quanh cây hoa Chá
|
Theo truyền thống, ngày thứ hai là ngày lễ quyện vào hội, có ăn uống múa hát và diễn xướng nhiều tích trò như ma tốt, ma khỏe của mường đuổi ma xấu, ma ác. Phần trích đoạn của người Thái Hòa Bình trong “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” tại “Làng” là phần lễ của ngày thứ nhất trong Lễ hội Chá Chiêng. Với trích đoạn này, một nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái đã được giới thiệu với du khách, cộng đồng các dân tộc tham gia Ngày hội.
Ngày nay, vai trò của ông Mùn trong đời sống của người Thái ở Hòa Bình chỉ là tượng trưng, là di sản văn hóa tâm linh. Lễ hội Chá Chiêng vẫn được tôn vinh vì ý nghĩa nhân văn cao đẹp, nhắc nhở những ân tình giữa con người với con người, nhắc nhở mọi người đạo lý uống nước nhớ nguồn.Thông qua phần giới thiệu Lễ hội, những di sản văn hóa về dân vũ, diễn xướng dân gian… quý báu của người Thái được giới thiệu đến đồng bào và du khách tham dự tại "Làng". Cùng với các hoạt động văn hóa khác của 11 cộng đồng dân tộc tham gia "Ngày hội sắc xuân trên mọi miền tổ quốc" Xuân Giáp Ngọ, một bức tranh văn hóa truyền thống đa dạng, đậm đà bản sắc đã được thiệu sinh động đến đông đảo du khách gần xa, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự hiểu biết và tinh thần đoàn kết của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Đào Loan