Lễ hội mừng nhà rông mới của người Giẻ Triêng

(LVH) - Chiều 25/3/2016, trong khuôn khổ các hoạt động "Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn" cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng đã tái hiện trích đoạn lễ hội mừng nhà rông mới tại làng Giẻ Triêng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời, phản ánh những nét văn hóa đặc trưng của vùng văn hóa Tây Nguyên. 

Già làng - chủ lễ khấn yang và thần linh về chứng giám lễ hội

Cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng làng Đăk Gô đến từ xã Đăk Krông, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum tham gia các hoạt động giới thiệu những nét văn hoa tiêu biểu của mình đến du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ngoài trình diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn nghệ, đồng bào tổ chức tái hiện lễ hội mừng nhà rông mới với những nghi thức chính.

Đội cồng chiêng và xoang tiến ra sân chung sau lời khấn mở đầu của chủ lễ

Theo truyền thống từ xưa, người Giẻ Triêng sống du canh du cư, mỗi vùng đất chỉ ở từ 5 đến 7 mùa rẫy. Sau khi đất đai bạc màu, họ lại tìm vùng đất mới. Mỗi khi chọn đất lập làng, sau khi đã tế trời đất và cúng Giàng, việc đầu tiên người Giẻ Triêng làm là dựng nhà rông. Nhà rông là nơi hội họp sinh hoạt cộng đồng, giải quyết mọi vấn đề của cộng đồng. Sau khi dựng xong nhà rông, tất cả cộng đồng người Giẻ Triêng lại cùng nhau chung tay góp sức dựng nhà cho mọi người. Việc làm này thể hiện tinh thần cộng đồng nhưng cũng là cách để những người nghèo nhất cũng có được mái nhà để nương thân. 

Chủ lễ thực hiện thao tác đâm trâu tượng trưng

Khi toàn bộ khu làng đã được dựng xong (khoảng từ 20 đến 25 nóc nhà) thì cộng đồng người Giẻ Triêng mới tổ chức lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia k'lơh krôông). Già làng sẽ phân công công việc cho tất cả mọi người, đảm bảo tất cả các thành viên được đóng góp công, góp của cho lễ hội quan trọng của cộng đồng.

Thông thường, nghi lễ mừng nhà rông mới phải thực hiện nghi thức đâm trâu, hiến tế yang và thần linh. Con trâu vốn được coi là linh vật của người Giẻ Triêng nói riêng, cộng đồng các dân tộc bản địa nói chung sẽ thể hiện tấm lòng và ước nguyện của người Giẻ Triêng với yang và thần linh. Nhưng trong khuôn khổ tái hiện giới thiệu trích đoạn, đồng bào thực hiện những thao tác tượng trưng.

Quang cảnh lễ hội

Tại sân chung, dưới gốc nêu, đồng bào đặt sẵn 3 ghè rượu cần và những vật phẩm cúng yang như thịt nướng trước ché rượu cần... Mở đầu, già làng cất lời khấn yang, thần linh về chứng giám lễ hội của đồng bào. Sau lời khấn mở đầu, chiêng trống nổi lên. Khấn xong, già làng cất tiếng hú vang, chiêng trống nổi lên sôi động, vòng xoang của phụ nữ, thanh niên chuyển dịch theo chiều ngược kim đồng hồ. Già làng đưa ngọn mác thực hiện các thao tác đâm trâu tượng trưng. Tiếng cồng chiêng, nhịp điệu vòng xoang và những tiếng hú tạo không khí sôi động, hào hứng... Tiếp theo, chủ lễ khấn cúng yang, cảm ơn yang, thần linh đã giúp dân làng dựng được nhà rông, cầu mong nhà rông và bà con được che chở, mùa màng tươi tốt. 

Những người tham dự cùng uống rượu cần với bà con

Kết thúc các nghi thức chính, bà con cùng du khách thưởng thức rượu cần, thịt nướng, cơm lam và cùng múa xoang trong nhịp cồng chiêng rộn ràng.

Đào Loan