Tái hiện Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô

(LVH) - Sáng 22/4, đồng bào dân tộc Lô Lô (tỉnh Hà Giang) đã tái hiện Lễ cúng tổ tiên của đồng bào mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2017.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là một nghi lễ cổ truyền thường được tổ chức hàng năm vào 14/7 âm lịch tại gia đình người trưởng họ. Với những ý nghĩa nhân văn, mang đậm bản sắc của người Lô Lô, lễ cúng tổ tiên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2012. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có 03 nghi lễ chính gồm Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa.

Chuẩn bị mâm lễ

Lễ hiến tế tổ tiên: Trước khi vào lễ chính, trưởng họ mời thầy cúng tiến hành lễ trình tổ tiên với nghi lễ “chắp cánh”, trong nghi lễ cúng của người Lô Lô không thể thiếu nghi thức cắt tiết gà, họ cho rằng nếu cắt tiết gà ở đâu thì làm lễ ở đó mới thiêng.

Lễ vật chính là 01 con gà được cắt tiết, 01 bát tiết gà, 03 chén rượu, xôi, tiền, vàng....sau đó gia chủ mời thầy cúng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm lễ. Thấy cúng chính làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng. Gia chủ rót rượu để cảm ơn thầy cúng đã không quan ngại đường xá xa xôi đến giúp gia đình. Công tác chuẩn bị đã xong, thầy cúng bắt đầu cúng:
"Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, trước sự chứng kiến của bà con, gia đình, dòng họ theo truyền thống, con cháu trong dòng họ tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ và biết ơn. Xin dâng tổ tiên đôi cánh để tỏ lòng biết ơn, mong tổ tiên có thể bay trong cõi thiêng liêng và trở về đây chứng kiến và nhận lấy lòng biết ơn của con cháu...cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khoẻ, hạnh phúc, học hành giỏi giang, thóc đầy bồ, trâu bò lơn gà đầy chuồng, mọi việc thuận lợi....". 

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng

Lễ hiến tế tổ tiên nhằm mục đích báo cáo và mời tổ tiên về dự để hưởng lễ vật con cháu dâng lên. Sau lễ cúng, cùng lúc đó Lễ nổi trống đồng cũng được tiến hành, tiếng trống đồng vang lên thì chị em bắt đầu nhảy múa nghi lễ theo nhịp trống đồng rộn ràng để chờ đón ma Cỏ về nhảy múa.

Đoàn người hóa trang ma Cỏ đã hóa trang xong trên đường làng về gia đình làm lễ, theo tục lễ, nhân dân ở đây thường tránh mặt ma Cỏ, nhìn từ xa thì tránh đi đường khác, không nhìn, không đi ngược gặp ma, không chào hỏi, người hóa trang lặng lẽ đi không ho hắn, nói chuyện, không được vấp ngã và đi thẳng vào cổng nhà làm lế cúng tổ tiên. Múa nghi lễ là một trong ngững nét đặc sắc của nghi lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, theo nhịp trống đồng bước chân của chàng trai, cô gái Lô Lô khi đến, khi lùi, lúc lại nhún xuống thấp nhịp nhàng, tiếng kêu leng keng của những chiếc chuông nhỏ và đồ trang sức của chị em tạo ra âm thanh rộn ràng làm cho những người tham dự cũng như lạc vào không gian lễ hội huyền ảo. Trong lúc này, phụ lễ của gia đình đang chuẩn bị mổ lợn để chuẩn bị cúng lần thứ 2.

Múa nghi lễ tại bãi đất trống trước nhà giữa các phần cúng của thầy cúng

Lễ tưởng nhớ tổ tiên: Khi bài múa kết thúc, thầy cúng và gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng lần 2 lễ tưởng nhớ tổ tiên. Tiếp đó lễ vật là con lợn tượng trưng cho con vật để nuôi và phát triển ở cõi vĩnh hằng, nơi tổ tiên đang ở. Sau đó gia chủ mời thầy cúng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm lễ. Thầy cúng chính làm thủ tục trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng. Ở lễ này đơn giản nhưng nó hàm chứa tín ngưỡng dân gian truyền thống của dân tộc Lô Lô. Công tác chuẩn bị đã xong thầy cúng bắt đầu cúng và mong tổ tiên phù hộ cho chúng con luôn được mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc. Bài cúng kết thúc các điệu múa một lần nữa rộn ràng nhịp theo tiếng trống đồng mà không thấy mệt mỏi.... Nghi lễ tưởng tổ tiên kết thúc cũng là lúc xế chiều. Gia chủ sửa lễ sẵn sàng cho lễ cúng tiễn đưa tổ tiên.

Mời ma cỏ uống rượu

Lễ đưa tiễn tổ tiên: Lễ được gia chủ bày lễ gồm: 8 miếng thịt bò để sống, xôi, tiền, vàng rượu. Lễ vật chuẩn bị xong gia chủ mời thầy cúng chính làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ ...Khi đêm xuống là nghi lễ tiễn đưa tổ tiên bắt đầu trong tiếng trống. Lúc này gia chủ sẽ đốt một đống lửa lớn giữa sân, và thầy cúng là người thưa với tổ tiên về việc con cháu dâng lễ vật lên tổ tiên để tiễn đưa tổ tiên về trời. Sau đó thầy cúng sẽ đốt tiền vàng mã, và lễ cúng kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau. Những lễ vật dâng lên tổ tiên lúc này sẽ được chia đề để mọi người đến dự ăn uống vui vẻ chia vui cùng gia đình.

Mời khách tham dự lễ hội uống rượu

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là một nghi lễ vòng đời của họ với ý nghĩa hướng đến cội nguồn, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. Đây là một nghi lễ linh thiêng, đậm chất nghệ thuật được bảo tồn và phát huy lâu dài.

Thúy Nga (ảnh: Thu Loan)