Độc đáo Tết hoa của dân tộc Cống tại “Ngôi nhà chung”
(LVH) - Sáng 01/01/2020, hòa chung không khí cả nước tưng bừng phấn khởi đón năm mới 2020, lần đầu tiên đồng bào Cống đến từ tỉnh Điện Biên đã tái hiện Lễ hội Tết hoa - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đây là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cống - dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người.

Những bông hoa mào gà trang trí khắp nhà và tô điểm trên đầu các cô gái Cống
Điện Biên, nơi hội tụ và sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Cống. Người Cống là dân tộc đặc biệt ít người sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã, bản giáp Biên giới Việt - Lào như bản Púng Bon, bản Huổi Moi của xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè của xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà của xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Tổng dân số khoảng gần hai trăm hộ, trên một nghìn nhân khẩu. Đồng bào Cống ở tỉnh Điện Biên còn bảo lưu được nhiều văn hóa truyền thống mà trong đó Tết hoa là một lễ hội lớn, tiêu biểu của dân tộc.

Đồng bào Cống chuẩn bị đồ lễ
Tết hoa (Mền Loóng phạt ái) là Tết cổ truyền của dân tộc Cống, đây là dịp để đồng bào dân tộc Cống cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm. Mặt khác đây còn là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, cùng nâng chén rượu mừng xuân, mừng cuộc sống mới đang ngày thêm tươi đẹp. Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi mùa vụ đã thu hoạch xong.

Các lễ vật đã được đồng bào chuẩn bị
Để chuẩn bị đón Tết, ngay từ những ngày cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, đồng bào đã dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh làng bản, chuẩn bị địa điểm tổ chức vui xuân của bản, tạo nên một khung cảnh ấm áp, nhộn nhịp và một không gian tươi tắn với đường làng ngõ xóm sạch đẹp phong quang, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp và đặc biệt với mỗi người ai ai cũng thấy mình như đẹp hơn, duyên dáng hơn, rạng rỡ hơn lên trong ngày Tết đến, xuân về.

Cây tre buộc những bông hoa mào gà đặt cạnh mâm lễ
Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều lên nương chọn hái những bông hoa mào gà (phạt loóng) đẹp nhất đem về chuẩn bị lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên tại gia đình và trang trí cây hoa ở địa điểm tổ chức Tết hoa của bản.Vào buổi chiều, đến giờ đã định, dân bản cùng trở về nhà già làng kiêm thầy mo của bản để dự lễ Tết hoa theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Cống. Nghi lễ có hai phần: Phần lễ và phần hội.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ
Phần lễ gồm lễ cúng chung của bản và lễ cúng riêng ở mỗi gia đình thực hiện từ khoảng 4 giờ chiều hôm trước và 7 giờ sáng hôm sau. Lễ vật dâng cúng có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ…nhất là không thể thiếu hoa "phạt loóng" một loài hoa biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của đồng bào dân tộc Cống. Sau lễ cúng chung của bản là lễ cúng ở các gia đình do người đàn ông chủ nhà thực hiện. Trước đây, Tết hoa thường được bà con tổ chức từ ba đến bốn ngày, nay rút ngắn chỉ còn hai ngày, một đêm.

Để chuẩn bị cho lễ cúng chung, dân bản đã dựng tại nhà thầy cúng một cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha), trên có buộc những bông hoa mào gà, đặt một cây trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ. Cây hoa này tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà.

Cạnh đó là bếp thờ đặt trong gian bếp cúng. Bếp được làm theo hình vuông, nền đất, không dùng để đun nấu mà chỉ dùng để thờ cúng. Gian bếp cúng thường để trống, không đựng đồ vật gì, ngoại trừ một số vật liên quan đến thờ cúng như cây tre, hòn đá, bát nước cúng... Đây là nơi linh thiêng của ngôi nhà, nơi các linh hồn tổ tiên trú ngụ mỗi khi trở về gia đình thăm con cháu. Và cũng được coi là nơi để tiến hành giao tiếp giữa những người còn sống với linh hồn của những người đã khuất.

Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng nhóm lửa, ngọn lửa trên bếp là dấu hiệu mời tổ tiên, thần linh về ăn tết cùng con cháu và dân bản.
Lễ cúng chung của bản gồm nghi lễ dâng lễ vật còn sống và dâng lễ vật khi đã chín. Khi giờ tốt đến, những hồi trống, chiêng vang lên khắp bản báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu. Già làng kiêm thầy cúng trong trang phục truyền thống kính cẩn dâng lễ vật xin phép tổ tiên, trời đất, thần linh… cho tổ chức Tết hoa mừng năm mới.
Lời khấn "Hôm nay gia đình, con cháu, dân bản có con gà làm lễ cúng hết năm, mời tổ tiên cùng các vị thần linh đến thụ lễ và phù hộ cho con cháu và dân bản được mạnh khoẻ; chăn nuôi được phát triển, đồng ruộng được tốt tươi, cầu mong tổ tiên và các vị thần phù hộ".
Lễ cúng tiếp theo được tiến hành, một ở bếp thờ và một ở trước bàn thờ tổ tiên. Ở bếp thờ, thầy cúng trịnh trọng thông báo việc tổ chức Tết hoa cho bà con dân bản và kính mời tổ tiên về dự lễ.

Nghi lễ buộc chỉ tay cầu an cho mọi người
Cúng trước bàn thờ tổ tiên gồm hai mâm lễ, mâm thứ nhất có các lễ vật như: thủ lợn, chân giò, rượu, thịt và nội tạng con lợn mỗi thứ một ít; mâm thứ hai có các lễ vật như: một bát gạo để cắm hương, một quả trứng và hai con vịt luộc. Thầy cúng trịnh trọng xướng mời các thần linh, tổ tiên về thụ lễ. Thầy thay mặt dân bản trình báo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của dân bản trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi người được dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển…

Sau đó thầy làm lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, vừa buộc thầy vừa cầu xin tổ tiên phù hộ cho mọi người khỏe mạnh không ốm đau… thầy xé thịt, lấy xôi cho mọi người coi đó như phúc lộc tổ tiên ban cho.
Nghi lễ cúng chung cho cả bản kết thúc, lễ cúng ở các gia đình bắt đầu. Mỗi nhà đều dựng một cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha) ở gian bếp cúng. Trên đoạn cây tre, khoảng đốt tre thứ 2 từ trên xuống người ta buộc hoa mào gà với các màu sắc đỏ, vàng đan xen, đây là dấu hiệu để tổ tiên nhận biết việc tổ chức Tết hoa. Dưới gốc đoạn tre, khoảng từ đốt tre thứ 2 từ dưới lên người ta buộc 2 ống rượu cần và những chiếc ống hút rượu cần để mời tổ tiên, thần linh uống rượu. Đây là rượu cần do các gia đình tự làm để dâng cúng lên tổ tiên.

Phần hội với những tiết mục múa diễn tả sinh hoạt ngày thường của đồng bào Cống
Lễ cúng bắt đầu, chủ nhà kính cẩn mời tổ tiên, các vị thần linh về ăn Tết với gia đình và để con cháu báo với tổ tiên tình hình làm ăn và sức khoẻ của mọi người trong gia đình, đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành.

Sau các nghi lễ cúng tổ tiên, thần linh, mọi người vui vẻ cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân, mừng năm mới cùng những lời chúc tốt đẹp cũng là lúc trời tối, những tiết mục văn nghệ mừng Tết hoa cũng được bắt đầu, trong đó có sự đan xen kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống với những ca khúc, những bài hát dân ca, những điệu múa dân gian dân tộc... Tất cả mọi người không phân biệt già trẻ lớn bé đều say sưa hát múa như đó là những công việc thường ngày của họ. Không khí cuộc vui càng lúc càng thêm sôi động cho tới khi mọi người cùng hân hoan trong điệu xòe đoàn kết, cùng say sưa múa hát dưới làn mưa của những hạt thóc giống, ngô giống được tung ra khắp xung quanh với mong ước bản mường bước sang năm mới, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở từ những trận mưa hạt giống này...Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng.

Ngày thứ hai của Tết hoa, từ sáng sớm,chủ các gia đình đã thức dậy chuẩn bị lễ vật bày lêm mâm đặt trong gian thờ cúng của gia đình để cúng tổ tiên thần linh. Lễ vật dâng cúng có xôi, cá nướng, khoai sọ, sắn, bí đỏ, bí xanh, ớt, bánh chưng và hòn đá thiêng…chủ nhà thắp nến, thắp hương, trịnh trọng khấn mời tổ tiên, thần linh hưởng lễ vật và xin phép kết thúc Tết hoa để gia đình được tiếp tục các công việc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống trong năm mới.

Lễ cúng kết thúc Tết hoa theo nghi thức cổ truyền được tiến hành một cách trang trọng tại địa điểm tổ chức chung của bản. Thầy cúng và các già làng dâng lễ xin tổ tiên trời đất, thần linh chứng giám lòng thành của dân bản và phù hộ cho mọi người năm mới mạnh khỏe, sản xuất phát triển, cuộc sống yên vui, gia đình hạnh phúc… Thầy cúng khấn mời tổ tiên, thần linh thụ lễ và xin phép kết thúc Tết hoa để mọi người được tiếp tục các công việc trong năm mới.

Đồng bào Cống nâng ly rượu mời du khách cùng chung niềm vui đón năm mới
Lễ cúng kết thúc, mọi người cùng vui vẻ uống rượu và múa hát tưng bừng. Họ múa và uống rượu trong tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đám đông dự hội. Người múa ngày một đông hơn, động tác múa của họ mỗi lúc như mềm dẻo hơn, uyển chuyển hơn, không khí ngày hội càng thêm rộn ràng.

Các cộng đồng dân tộc cùng du khách trong vòng xòe đoàn kết
Tết hoa là hoạt động ý nghĩa và thiết thực ddo chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đây không chỉ là cơ hội để đồng bào Cống giới thiệu những phong tục, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng", mà còn là dịp đồng bào các dân tộc cùng nhau sum vầy chuẩn bị cho một năm mới với những ước muốn về sự tốt đẹp, sự sung túc của bản làng quê hương góp phần tạo không khí tưng bừng phấn khởi đón năm mới 2020.
Phạm Hương