Nghề in sáp ong truyền thống được đồng bào Dao Tiền giới thiệu tại "Ngôi nhà chung"

(LVH) - Vừa qua, về tham gia hoạt động tháng 4 "Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Dao Tiền tỉnh Cao Bằng đã giới thiệu nghề in sáp ong truyền thống trong hoạt động chợ vùng cao "Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng".

Đồng bào Dao Tiền ở Cao Bằng từ bao đời nay đã có nghề truyền thống in hoa văn sáp ong trên vải, công việc này do người phụ nữ đảm nhiệm. Để có sản phẩm ưng ý, quy trình in sáp ong cũng đòi hỏi rất khắt khe.

Đồng bào dân tộc Dao Tiền tỉnh Cao Bằng giới thiệu nghề in sáp ong truyền thống trong hoạt động chợ vùng cao "Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng" 

Để có sáp ong tốt phải lấy sáp từ những tổ mật ong rừng. Những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó, tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 - 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt.

Đồng bào Dao Tiền thực hiện kỹ thuật in sáp ong lên vải

Sau khi có sáp ong tốt, đồng bào chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 - 10 chiếc đủ loại từ 1 - 5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Lấy một phần sáp ong trong khối sáp đem đun nóng hoặc nước sôi để rã đông, trước khi tiến hành in phải lọc lại sáp ong cho thật sạch không bị lẫn tạp chất, đặt sáp ong lên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn.

Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi. Để có được những tấm vải in sáp ong đẹp, sau khi in sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 15- 20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ.

Nhiều hoạ tiết hoa văn được đồng bào Dao Tiền in lên vảinhư: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú...

Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng để khâu váy. Chiếc váy màu chàm với các họa tiết hoa văn tinh xảo đã tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của phụ nữ Dao Tiền.. Qua đó cũng thể hiện bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, sáng tạo của họ.

Sản phẩm sau khi hoàn thành

Các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong mang đậm nét đặc trưng của người Dao Tiền được lưu truyền cho các thế hệ kế tiếp. Tuy cùng là một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, nhưng do làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng như một nghệ sỹ, tạo dấu ấn riêng trên tác phẩm của mình. Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, với nhiều hoa văn đẹp mắt như: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú...mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Dao Tiền.

Ngày nay, đời sống đã có nhều thay đổi, nhờ sự phát triển của khoa họccông nghệ, các loại vải công nghiệp độc chiếm vì trí trên thị trường và được ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi sử dụng. Nhưng với người Dao Tiền ở Cao Bằng, nghề in hoa văn sáp ong truyền thống vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Chính những trang phục truyền thống với các hoa văn in bằng sáp ong đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. 

Hải Yến