Tái hiện nghi thức cúng ma bản của dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Sáng 13/4, nhóm đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Sông Mã tỉnh Sơn La đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức tái hiện trích đoạn nghi thức cúng ma bản - trong khuôn khổ hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam”.

Lễ cúng ma bản của người Khơ Mú được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, vào khoảng tháng 4-5 dương lịch, lễ diễn ra trong một ngày, ngày được chọn là một ngày tốt, cũng là ngày truyền thống của bản để tổ chức lễ từ năm này sang năm khác. Tùy từng bản, từng dòng họ của người có công lập bản mà chọn ngày.

 

Thầy cúng Mòng Văn Chơ - Trưởng nhóm đồng bào dân tộc Khơ Mú kiểm tra lễ vật trước khi tiến hành nghi thức

Lễ cúng ma bản diễn ra với mục đích cầu mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, cầu cho bản mường ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

 

Buổi lễ tái hiện có sự tham dự của đại diện nhóm cộng đồng dân tộc Lào, Mường, Thái, Mông, Tày, Nùng cũng đang hoạt động thường xuyên tại Làng VHDL các DTVN

Đồng thời, qua nghi lễ thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, vào thiên nhiên và đề cao giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, bản mường.

 

Thầy cúng Mòng Văn Chơ thực hiện nghi lễ cúng bên ngoài sân làng dân tộc Khơ Mú

Dân bản sẽ bàn bạc và cùng chuẩn bị các đồ lễ cúng, lương thực và thực phẩm để ăn một bữa cơm chung. Mỗi bản đều có rừng để tổ chức lễ cúng bản. Sau khi cúng bản xong, các gia đình mới tổ chức các nghi lễ khác để chuẩn bị cho mùa vụ trong năm.

 

 Thầy cúng đọc lời khấn với ý nghĩa cầu mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho bản mường ấm no, hạnh phúc.

Lễ vật trong nghi lễ cúng ma bản gồm có lợn đen, gà trống, vịt, rượu cần, hương, tiền vàng, vải, trang sức…vật phẩm không thể thiếu là gạo dâng cúng ma làng, các thần linh như báo cáo về vụ thu hoạch được mùa vừa qua.

 

Sau khi cúng xong ở bên ngoài, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng trong nhà

sắp xếp xong lễ vật, già làng hoặc thầy cúng đại diện cho dân bản làm lễ trước bàn thờ thần linh được đặt ở ở gốc cây to đầu bản. Sau khi cúng xong ở bên ngoài sẽ thực hiện nghi thức cúng trong nhà. Mâm cúng trong nhà gồm có gà trống, xôi đồ, rượu trắng, đĩa trầu... để báo với tổ tiên là con cháu đã hoàn thành công việc mời ma làng và các thần linh về dự lễ.

 

Kết thúc phần lễ, thầy cúng cùng nhau mọi người uống rượu cần, ca hát nhảy múa

Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau múa hát, uống rượu cần, đánh chiêng, nhảy sạp và chơi các trò chơi dân gian.

 

Sau khi chứng kiến phần lễ tái hiện, cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan đã hòa vào không khí phần hội rộn ràng với những điệu múa truyền thống của người Khơ Mú

Lễ cúng ma bản là một trong những nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú, nghi lễ có từ xa xưa và luôn được người Khơ Mú lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hải Yến