Tổ chức hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam”

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 4 được tổ chức từ ngày 1/4/2025 - 4/5/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, sự kiện góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Qua đó giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đa dạng phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hoạt động tháng 4 với sự tham gia của hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Tp. Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Huy động 25 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La) huy động ngày 30/4/2025 - 04/5/2025; khoảng 40 đồng bào dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu) huy động ngày 30/4 - 4/5/2025; khoảng 25 đồng bào dân tộc Tày, Nùng (tỉnh Cao Bằng) huy động ngày 5 - 7/4.

Bên cạnh các hoạt động đặc sắc của sự kiện "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4) năm 2025 sẽ diễn ra từ 17 - 20/4 theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Kế hoạch chi tiết của Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam ban hành, điểm nhấn trong khuôn khổ hoạt động tháng 4 dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và dịp nghỉ lễ 30/4 - 4/5 với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”.


Chợ vùng cao là hoạt động điểm nhấn trong tháng 4 “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình hoạt động tháng 4 “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" gồm các hoạt động như:

A. HOẠT ĐỘNG ĐIỂM NHẤN “ĐIỂM HẸN VÙNG CAO”

Tái hiện Chợ phiên vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”

Chợ phiên vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”

Tái hiện không gian chợ phiên vùng cao các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao” tạo ấn tượng cho du khách cảm nhận không khí chợ phiên vùng cao, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do chính những chủ thể vùng cao thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không khí xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Xinh Mun, Hà Nhì, Mông…

* Không gian chợ với hơn 40 gian hàng (33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá và 09 gian hàng nước:

- 33 gian hàng tại khu vực chợ vùng cao: 06 gian hàng của tỉnh Lai Châu gồm: rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, rượu men lá, các loại gia vị…và giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch Lai Châu qua các ấn phẩm, tờ dơi, tờ gấp, bản đồ du lịch... 06 gian hàng của tỉnh Sơn La: giới thiệu các sản vật đặc trưng và ẩm thực truyền thống dân tộc Thái. 20 gian hàng: giới thiệu các sản vật địa phương của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội)…với các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, rượu, hương liệu, thuốc nam, măng khô, miến dong, mật ong…;

- 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc: gà ri, lợn bản, xôi màu, thịt nướng, cá nướng…;

- 09 gian hàng nước phục vụ nhu cầu khách tham quan không gian chợ.

* Giới thiệu không gian ảnh sắc màu văn hóa vùng cao với khoảng hơn 100 bức ảnh được trưng bày giới thiệu dọc tuyến đường vào chợ vùng cao và trước không gian giới thiệu văn hóa du lịch tỉnh Lai Châu với chủ đề giới thiệu văn hóa du lịch và các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu. Trong đó có 100 ảnh triển lãm của tỉnh Lai Châu và một số ảnh này do Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát huy từ bộ tư liệu ảnh trước đây đã trưng bày, giới thiệu.

Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của đồng bào tham gia phiên chợ

- Biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: đánh quay (tu lu), đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy... của các dân tộc huy động tỉnh Lai Châu, Sơn La và các đồng bào dân tộc cùng tham gia phiên chợ tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

- Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo thể hiện sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lai Châu giới thiệu, nghệ thuật trình diễn khèn Mông và giao lưu cùng du khách: mô tả cây khèn, hướng dẫn cách múa khèn và mời trải nghiệm cùng nghệ nhân múa khèn.

- Giới thiệu, trình diễn giã bánh dày, nghệ thuật in sáp ong của dân tộc Mông tỉnh Lai Châu.

- Không gian giới thiệu nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm nét văn hóa vùng cao và các trò chơi dân gian giao lưu cùng du khách.

Tái hiện Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu

- Lễ gồm có 02 phần: lễ và hội, phần lễ diễn ra quanh cây nêu, thầy cúng làm lễ vừa đi vừa hát khấn cho mưa thuận gió hoà, mọi người, mọi gia đình đều khoẻ mạnh cùng với đó các đôi trai gái và người tham dự lễ hội cầm ô, cầm khèn đi quanh cây nêu bày tỏ lòng thành kính và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng mình. Phần hội với những tiết mục văn nghệ như múa sinh tiền, múa khèn, hát giao duyên và những trò chơi truyền thống như kéo co, bắn nỏ, đánh quay, thi giã bánh giày...Chính vì vậy thông qua phần hội mà các chàng trai, cô gái có thể chọn cho mình những người vợ khéo tay và các cô gái cũng chọn cho mình những người bạn đời khoẻ mạnh. Lễ hội thực sự là Ngày hội sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể thao của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

- Giới thiệu một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu.

Tái hiện Lễ mạng ma của dân tộc Xinh Mun tỉnh Sơn La

Lễ Mạng Ma thường được tổ chức vào đầu năm nhưng cũng phải hội tụ đủ các yếu tố thì mới tiến hành tổ chức: hoa Ban, hoa Mạ nở, măng đắng mọc lên; Thầy cúng xem được ngày lành tháng tốt; mời được thầy cúng, mời được bên ngoại (Lùng Tà). Theo tín ngưỡng của người Xinh Mun, mỗi thầy mo thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu nên khi bắt đầu hành nghề, mỗi thầy mo đều phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình gọi là nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng Ma), sau đó cứ khoảng từ 5-10 năm, thầy mo này phải tổ chức nghi lễ Mạng Ma một lần để cầu sức khỏe, cầu giải hạn cho mình. Trong thời gian đó, nếu người thầy đỡ đầu chết, thầy mo này lại phải đi nhờ một thầy mo khác giúp chọn cho mình một người thầy đỡ đầu khác và phải tổ chức nghi lễ Mạng Ma để nhận người thầy đỡ đầu mới, cũng để giải hạn, cầu sức khỏe (vì có thể thầy mo này sẽ ốm nặng nếu không tổ chức nghi lễ này). Ngoài ra, nghi lễ này còn cầu cúng cho những người dân trong bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; súc vật không mắc bệnh dịch, sinh sôi nảy nở.

Quy mô tổ chức Lễ Mạng Ma là những thành viên trong gia đình, tổ chức nghi lễ cho bố, mẹ (là những thầy mo), nhưng các thủ tục đều được làm đầy đủ. Thành phần tham gia chủ yếu là người thân trong gia đình nội, ngoại (ở nhiều bản), bà con dân bản đến góp vui. Thành phần tham gia nghi lễ gồm: 02 thầy mo (một thầy là người đỡ đầu, một thầy được đỡ đầu (hoặc thầy mo bị ốm), có thể là đàn ông hoặc đàn bà); họ bên ngoại (Lùng Tà là anh hoặc em của người được đỡ đầu); con cháu trong gia đình, dòng họ; người dân trong bản. Chuẩn bị lễ vật và các đồ dùng phục vụ nghi lễ: dựng cây nêu, các lễ vật: gà, lợn, rượu cần, gạo nếp… Nội dung tái hiện các nghi thức: cúng mời các thần linh về dự lễ; cúng thần phù hộ chủ cúng, mời thần linh cầu cho gia chủ, họ hàng, người ốm…;

Tái hiện Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu

Đối với người Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết. Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Hai lễ vật quan trọng nhất và không thể thiếu trong Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì là thịt lợn và bánh dày. Gạo nếp được lựa chọn để giã bánh dày là loại gạo nếp do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng, được lựa chọn kỹ càng của mùa vụ trước, được cất giữ, bảo quản cẩn thận nên hạt mẩy, khi đồ lên rất thơm, dẻo. Việc cúng lễ của người Hà Nhì, người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà, hoặc có vai trò quan trọng trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Họ cúng cả hai bên nội, ngoại. Khi chủ lễ cúng xong, bánh dày sẽ được hạ lễ, chia cho các thành viên trong gia đình cùng thụ lễ.

Các trò chơi trong dịp Tết mùa mưa cũng rất đa dạng và phong phú như đi cà kheo, đánh cù, hát đối giao duyên đến chơi đu lăng, bập bênh xoay vòng... nhưng trò chơi được xem là không thể thiếu trong dịp này là đu lăng. Người Hà Nhì quan niệm rằng, việc chơi đu lăng là một hình thức sám hối cho những tội lỗi mà họ vướng phải trong suốt quãng thời gian trước. Cụ thể là việc săn bắn, giết hại những con vật trên rừng, mà mỗi con vật đều có linh hồn nên phải có hình phạt nhất định để giải oan cho linh hồn của những con vật để chúng không còn tìm về làm hại bản làng. Người Hà Nhì sẽ dựng hai cây đu được trong đó cây đu trong nhà cho trẻ nhỏ, còn người lớn cùng nhau chơi cây đu ở khu đất giữa bản.

B. GIỚI THIỆU KHÔNG GIAN VĂN HOÁ, DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG

Giới thiệu nét văn hóa dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng

Giới thiệu không gian văn hóa hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng

+ Giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn…

+ Các chủ thể văn hóa thực hành hát Then, đàn Tính giới thiệu về cây đàn Tính, cùng giao lưu truyền dạy cho du khách cùng tập hát Then dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.

Chương trình dân ca dân vũ “Tự hào con cháu Rồng Tiên” tại “Ngôi nhà chung”

- Đồng bào các dân tộc anh em đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” thể hiện lòng tự hào dân tộc, hướng về nguồn cội qua lời ca, tiếng hát, hoạt động diễn xướng dân gian của cộng đồng dân tộc mình, tăng cường niềm tin, đoàn kết cùng nhau bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vườn hoa đa sắc màu văn hóa.

- Giao lưu văn hóa giữa đoàn nghệ nhân dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng và một số nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng để cùng nhau gắn kết, chia sẻ trong nét văn hóa truyền thống vùng, miển tại “Ngôi nhà chung”.

Tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu du lịch tỉnh Bình Định

Hoạt động trưng bày ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định

Trưng bày khoảng 100 ảnh (kích thước: 60x80cm, dày 8mm) về các giá trị văn hóa - lịch sử, danh lam - thắng cảnh, thành tựu kinh tế - xã hội, những hình ảnh đặc sắc về đất và người Bình Định cụ thể: danh lam thắng cảnh Bình Định: 30 ảnh; di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa - tôn giáo tiêu biểu: 15 ảnh; các di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội dân gian tiêu biểu: 15 ảnh; làng nghề truyền thống đặc trưng của Bình Định: 10 ảnh; ẩm thực, sản vật địa phương: 10 ảnh; thành tựu kinh tế xã hội: 20 ảnh.

Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch Bình Định

+ Trưng bày các ấn phẩm du lịch Quy Nhơn - Bình Định: cẩm nang du lịch, postcard, tờ gấp điểm đến, tờ gấp ẩm thực đặc trưng Bình Định,…; sản phẩm dịch vụ, du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch;

+ Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản OCOP tiêu biểu Bình Định (rượu Bàu Đá, nem, tré, bánh ít lá gai, rượu Vĩnh Thịnh, trà, các loại bánh truyền thống Bình Định,…);

+ Giới thiệu thời gian diễn ra các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định năm 2025.

Hoạt động cuối tuần

Tái hiện trích đoạn nghi thức cúng ma bản của dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La

Vào khoảng tháng 4-5 dương lịch, khi chuẩn bị vào vụ gieo trồng trên nương. Người dân trong bản chỉ được tra hạt khi đã làm lễ cúng bản. Lễ cúng bản thường được chọn một ngày tốt, cũng là ngày truyền thống của bản để tổ chức lễ từ năm này sang năm khác. Tùy từng bản, từng dòng họ của người có công lập bản mà chọn ngày. Thường là cúng trước ngày đó, để ngày hôm sau chính là ngày kiêng của bản để dân bản nghỉ ngơi, vui chơi, không lao động, sản xuất. Dân bản sẽ bàn bạc và chuẩn bị các đồ lễ cúng và lương thực, thực phẩm để ăn một bữa cơm chung. Đồng bào chia thành các nhóm để chuẩn bị lễ và gác không cho người ra, vào bản. Mỗi bản đều có rừng cúng để tổ chức lễ cúng bản. Sau khi cúng bản xong, các gia đình mới tổ chức các nghi lễ khác để chuẩn bị mùa vụ trong năm.

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc hoa cao nguyên” của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng

- Là sự kết hợp, giao lưu dân ca dân vũ của nhóm đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng cùng nhau khoe sắc qua lời ca, tiếng hát, trình diễn giới thiệu các loại hình diễn xướng như chiêng Mường, hát Then, đàn Tính, sli…

- Cùng nhau giao lưu, kết nối cùng đồng bào và du khách với nhảy sạp, xòe, ném còn, đi cà kheo…

Chương trình giao lưu “Tình ca Tây Nguyên” tại Làng

Thể hiện các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…

Hoạt động của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng

+ Tăng cường giới thiệu nét văn hóa truyền thống của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

+ Đề cao các hoạt động trải nghiệm kết nối giữa các nhóm đồng bào và du khách, các nhóm phát huy thế mạnh của mình theo cụm đồng bào gần nhau theo hướng tương hỗ;

+ Điểm nhấn của các dân tộc với các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: thổi Đinh Năm hát ay ray, hát những ca khúc về Tây Nguyên, múa xòe, nhảy sạp, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát Then, đàn Tính, các điệu múa chuông, múa rùa;

+ Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo…;

+ Tìm hiểu ẩm thực dân tộc và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; gà nướng… của dân tộc Dao; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày, Nùng; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam... Tìm hiểu về các loại bánh tình yêu A quát của dân tộc Tà Ôi; thưởng thức hương vị cà phê, ca cao của dân tộc Ê Đê; bánh tét của dân tộc Khmer…;

+ Chương trình du lịch theo gói trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hoạt động phật sự tổ chức theo nghi thức truyền thống tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Khmer

Hàng năm cứ đến trung tuần tháng Tư dương lịch, đồng bào dân tộc Khmer nô nức đón mừng tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây. Theo Phật lịch: 2559 của Phật giáo Nam tông Khmer (tức đầu tháng Chét là khoảng giữa tháng 4 dương lịch), dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng, cũng như mọi người dân tộc Khmer cả nước nói chung, đều tiến hành lễ vào năm mới của dân tộc mình. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, là lúc giáp nắng và mùa mưa, là thời kỳ kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Đây là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc được người Khmer quan niệm là sự khởi đầu cho một năm mới gọi là Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới). Có thể nói, tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệp chuyện tương lai. Bên cạnh đó, tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình trong năm.

Hoạt động hàng ngày

+ Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm;

+ Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc;

+ Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc;

+ Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm;

+ Trải nghiệm các gói dịch vụ du lịch..;

+Trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đánh yến...

Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống

- Là không gian ngồi nghỉ cho du khách và tham gia trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời.

- Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh, trải nghiệm trang phục dân tộc…..

- Các hoạt động phụ trợ khác theo điều kiện thực tế.

Thông qua một số trò chơi tuy đơn giản nhưng cũng giúp các em học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, con vật, góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn gắn kết thêm về tình bạn, tình yêu gia đình. Với không gian này giúp các em có thêm điểm dừng chân, thêm trải nghiệm, thêm niềm vui trong hành trình tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình tổng thể 

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Ngày 05,06/4/2025 (thứ Bảy, Chủ nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Giới thiệu không gian văn hóa hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Ngày 07/4/2025 (thứ Hai) - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch

09h00 - 10h30

-

14h30 -16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Tự hào con cháu Rồng Tiên” tại Ngôi nhà chung

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Ngày 12/4/2025 (thứ Bảy)

09h00 - 10h30

-

14h30 -16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc hoa cao nguyên” của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Khu vực tiếp giáp cánh đồng hoa cạnh làng Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I

Ngày 13/4/2025 (Chủ nhật)

09h00 - 09h45

Tái hiện trích đoạn nghi thức cúng ma bản của dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La

Làng dân tộc Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I

09h45 - 10h45

-

14h30 -16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc hoa cao nguyên” của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Khu vực tiếp giáp cánh đồng hoa cạnh làng Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I

Ngày 16/4/2025 (thứ Tư)

08h00 - 10h30

Hoạt động phật sự tại chùa Khmer tổ chức tết Chôl Chnăm Thmây

Chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III

HOẠT ĐỘNG NGÀY VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM 19/4 NĂM 2025

(Theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ ngày 17-20/4/2025)

Ngày 26,27/4/2025 (thứ Bảy, Chủ nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Tình ca Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Làng dân tộc Gia Rai, Khu các làng dân tộc II

CHƯƠNG TRÌNH SỰ KIỆN NGÀY CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ

QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 01/5 (Từ ngày 30/4-04/5/2025 - Thứ Tư đến Chủ nhật)

Ngày 30/4 - 04/5/2025 (từ thứ Tư đến Chủ nhật)

Cả ngày

Phiên chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”

Hoạt động điểm nhấn:

- Tái hiện không gian văn hóa đặc trưng tái hiện phiên chợ vùng cao đậm sắc màu văn hóa các tỉnh Lai Châu, Sơn La.

- Giới thiệu không gian điểm nhấn tại chợ vùng cao với sắc màu đặc trưng của các dân tộc và có sự tương tác trình diễn của các chủ thể văn hóa.

- Trải nghiệm ẩm thực dân tộc: thắng cố, xôi màu, gà  quay dân tộc, lợn quay, nấu rượu ngô, cá nướng, bánh cuốn Cao Bằng…

- Giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng địa phương như: thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô, sản vật, rượu, măng, miến, rau, củ, quả tươi...

- Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, in sáp ong, nấu rượu…

- Chương trình dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Chợ vùng cao phía Bắc, khu các làng dân tộc I

09h00 -11h00,

14h00-16h00; các ngày 30/4-04/5/2025

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên”, giới thiệu nghệ thuật trình diễn khèn Mông và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun các tỉnh Sơn La, Lai Châu

Chợ vùng cao phía Bắc, khu các làng dân tộc I

Cả ngày

Trưng bày ảnh du lịch và giới thiệu các sản phẩm du lịch Quy Nhơn - Bình Định

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Ngày 01/5/2025 (thứ Năm)

09h00 - 10h00

     Tái hiện Lễ Gầu tào của dân tộc Mông tỉnh Lai Châu

Chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I

09h00 - 11h00

-

14h00 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên”, giới thiệu nghệ thuật trình diễn khèn Mông và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Chợ vùng cao phía Bắc, khu các làng dân tộc I

Ngày 02/5/2025 (thứ Sáu)

09h00 - 10h00

        Tái hiện Lễ Mạng ma của dân tộc Xinh Mun tỉnh Sơn La

Làng dân tộc Xinh Mun, Khu các làng dân tộc I

09h00 - 11h00

-

14h00 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên”, giới thiệu nghệ thuật trình diễn khèn Mông và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun các tỉnh Sơn La, Lai Châu

Chợ vùng cao phía Bắc, khu các làng dân tộc I

Ngày 03/5/2025 (thứ Bảy)

09h00 - 10h00

 Tái hiện Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu

Làng dân tộc Hà Nhì, Khu các làng dân tộc I

 

09h00 - 11h00

-

14h00 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên”, giới thiệu nghệ thuật trình diễn khèn Mông và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Chợ vùng cao phía Bắc, khu các làng dân tộc I

Hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc tại các làng dân tộc

từ ngày 01-30/4- 04/5/2025

Ngày

01-30/4/2025 - 04/5/2025

 

Hoạt động hàng ngày: tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

Làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

Dịp cuối tuần

Ngày (05,06;07; 12,13; 19,20; 26,27; 30/4-04/5/2025)

(các thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ).

 

- Giới thiệu văn hóa truyền thống tại không gian các làng dân tộc có chủ thể văn hóa.

- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu.

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc.

- Các trò chơi dân gian: ném còn, đi cà kheo, bập bênh, ném pao ...

- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc...

- Chương trình du lịch để du khách trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

Phạm Hương