Tổ chức các hoạt động tháng 10 “Biển đảo trong lòng đồng bào”

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 10 được tổ chức từ ngày 01 - 31/10/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình tháng 10 “Biển đảo trong lòng đồng bào” có nhiều hoạt động như:

Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Hai, Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ. Để chuẩn bị lễ khao lề, người ta làm 05 mô hình thuyền, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các Cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả. Trước khi tổ chức lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thuỷ quân Hoàng Sa - Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tháng 4 năm 2013 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam”

Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Thông qua nội dung của những câu hát, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu văn hóa, du lịch Quảng Ngãi; hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

- Giới thiệu, trưng bày ấn phẩm du lịch, sách ảnh, mô hình hiện vật, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản vật, ẩm thực truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi; cấp phát tài liệu, tập gấp, bản đồ, sổ tay du lịch, đĩa VCD, DVD quảng bá du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

- Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa, con người Quảng Ngãi; các chương trình tour, tuyến du lịch, điểm đến du lịch của tỉnh Quảng Ngãi kết nối, giao lưu với du khách tham quan, cơ quan thông tấn báo chí, các công ty lữ hành thường xuyên gửi khách đến Làng.

- Trưng bày hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm Bắc Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đất và người Lý Sơn…

- Các hình ảnh đẹp từ các cuộc thi, các cuộc Triển lãm, giới thiệu …tại địa phương và phối hợp với các hình ảnh nguồn tư liệu về Hoàng Sa - Quỹ ảnh Ban Quản lý hiện có đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày giới thiệu trong các chương trình giới thiệu về Biển đảo Việt Nam.

Giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi

Ẩm thực Lý Sơn phản ánh rõ nét mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với môi trường tự nhiên. Trong hành trình tìm kiếm hải vật, sản vật, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền tại huyện đảo Hoàng Sa chinh phục thiên nhiên…ẩm thực của người dân đất đảo đã thể hiện rõ thái độ ứng xử của con người với tự nhiên để đảm bảo duy trì cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Họ đã biết tận dụng những nguồn sản vật dồi dào từ thiên nhiên, biển cả ban tặng. Họ chọn lọc sáng tạo nhiều món ăn phù hợp với điều kiện sống. Sự thích ứng với môi trường tự nhiên đã thể hiện được tính sáng tạo và linh hoạt của con người tạo nên những đặc trưng riêng, độc đáo trong nền ẩm thực tại Lý Sơn. Con người đã biết tận dụng những nguồn sản vật từ thiên nhiên, biển cả ban tặng cho các ngày lễ tế đình, lễ cúng các bậc tiền nhân gửi lời cầu mong cho dân làng có cuộc sống an hòa trong đó có một số các món ăn đặc trưng gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và ẩm thực đặc trưng Lý Sơn như bánh, hải sản chế biến, rong biển….Giới thiệu các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi như hành tỏi Lý Sơn, quế, đồ mỹ nghệ.

Hoạt động cuối tuần

Chương trình dân ca dân vũ “Hoa tháng Mười” của đồng bào đang hoạt động hàng ngày kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Đồng bào các dân tộc tổ chức chương trình dân ca dân vũ đặc sắc của các nhóm cộng đồng dành tặng tất cả những người phụ nữ trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Mỗi nhóm đồng bào lựa chọn từ 02 - 03 tiết mục đặc sắc để tổ chức biểu diễn tại chương trình.

Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng

- Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng nhau tập trung giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của buôn làng Tây Nguyên qua các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng của dân tộc mình với chủ đề ca ngợi quê hương, buôn làng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ.

- Cùng tìm hiểu văn hóa truyền thống Tây Nguyên qua các hoạt động trải nghiệm như trình diễn cồng chiêng, vòng xoang, đàn Tơ rưng dân gian, đàn K’long pút, đàn Chapi…

Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng

- Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm.

- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến...

- Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường, Thái; gà nướng…của dân tộc Dao; cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Tày, Nùng; bánh tình yêu và các sản vật đặc trưng của dân tộc Tà Ôi; bánh sừng trâu của dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu… các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...

- Chương trình trải nghiệm văn hoá dân tộc truyền thống gắn với không gian của đồng bào đang hoạt động hàng ngày.

Hoạt động hàng ngày

+ Tổ chức tái hiện đời sống văn hóa, sinh hoạt hàng ngày, bài trí không gian nhà cửa theo phong tục truyền thống của dân tộc.

+ Lựa chọn tổ chức giới thiệu trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực dân tộc, tái hiện nghi lễ, lễ hội truyền thống phù hợp với từng nhóm đồng bào theo đặc trưng văn hóa dân tộc.

+ Đón tiếp khách tham quan, giới thiệu không gian văn hóa, đặc trưng văn hóa của dân tộc đến nhân dân và du khách.

+ Bám sát triển khai tổ chức các hoạt động theo Hướng dẫn và Phụ lục hoạt động hàng ngày gắn với từng không gian văn hóa của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Hoạt động phật sự tại chùa Khmer

Tổ chức Lễ Sen Dolta tại chùa Khmer

Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 âm lịch, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sen Dolta hay gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ Sen Dolta của bà con người Khmer Nam bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố. Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Dol” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nhà, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer Nam bộ.

Tổ chức lễ dâng y Kathina

Lễ dâng y Kathina là một trong những lễ hội quan trọng và truyền thống của Phật giáo Nam Tông. Lễ này diễn ra sau kỳ an cư kiết hạ, một khoảng thời gian ba tháng mà các tu sĩ Phật giáo thực hiện việc tu tập nghiêm túc và không rời khỏi nơi tu tập. Sau khi kỳ an cư kết thúc vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, lễ Kathina được tổ chức để cúng dường y phục và các vật phẩm thiết yếu cho các tu sĩ. Lễ dâng y Kathina bắt nguồn từ thời Đức Phật còn tại thế. Theo truyền thuyết, có một nhóm tu sĩ từ xa trở về gặp Đức Phật sau kỳ an cư kiết hạ, nhưng vì thời tiết xấu, họ đã đến muộn và quần áo của họ bị rách nát. Thấu hiểu tình cảnh của họ, Đức Phật đã cho phép các cư sĩ dâng y mới cho các tu sĩ để thay thế quần áo cũ. Lễ dâng y Kathina mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tạo phước và duy trì sự đoàn kết giữa các cư sĩ và tu sĩ. Các vật phẩm cúng dường thường bao gồm y phục (y Kathina), bát đựng thức ăn, thuốc men, và các vật dụng khác cần thiết cho đời sống hàng ngày của tu sĩ. Lễ dâng y Kathina thường được tổ chức vào tháng 10 hoặc 11, tùy theo lịch âm dương của từng quốc gia. Trong lễ hội, các phật tử sẽ cùng nhau quyên góp và chuẩn bị y phục, sau đó tổ chức một buổi lễ trang trọng tại chùa để dâng y và các vật phẩm cho các tu sĩ.

Lễ dâng y Kathina là dịp để các Phật tử thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn và tinh thần hộ trì Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Lễ hội này cũng là dịp để cộng đồng Phật tử cùng nhau tụ họp, chia sẻ niềm vui và củng cố đức tin.

Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống

- Là không gian ngồi nghỉ cho du khách và tham gia trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời.

- Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh; trải nghiệm trang phục dân tộc…..

- Các hoạt động phụ trợ khác theo điều kiện thực tế.

Thông qua một số trò chơi tuy đơn giản nhưng cũng giúp các em học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, con vật, góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn gắn kết thêm về tình bạn, tình yêu gia đình. Với không gian này giúp các em có thêm điểm dừng chân, thêm trải nghiệm, thêm niềm vui trong hành trình tham quan Khu các làng dân tộc.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình hoạt động tổng thể: 

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Ngày 02/10/2024 (Thứ Tư)

09h00 - 10h00

Lễ Sen Dolta tại chùa Khmer, làng dân tộc Khmer

chùa Khmer, làng dân tộc Khmer, khu các làng dân tộc III.

Ngày 05,06/10/2024 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Làng dân tộc Gia Rai Khu các làng dân tộc II

CHƯƠNG TRÌNH ĐIỂM NHẤN CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10
Ngày 12,13; 19,20/10/2024 (Thứ Bảy, Chủ Nhật)

Ngày 12,13/10/2024 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Hoa tháng Mười” của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Sân lễ hội làng III,

Khu các làng dân tộc III

HOẠT ĐỘNG ĐIỂM NHẤN “BIỂN ĐẢO TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO”
Ngày 19,20/10/2024 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

Ngày 19/10/2024 (Thứ Bảy)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” của tỉnh Quảng Ngãi

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Cả ngày

- Trưng bày, triển lãm, giới thiệu văn hóa du lịch, hình ảnh, hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đất và người Lý Sơn.

- Giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi.

Sân lễ hội làng III,  Khu các làng dân tộc III

Ngày 20/10/2024 (Chủ nhật)

09h00 - 10h00

Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

 

 

 

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

10h00 - 11h00

Trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” của tỉnh Quảng Ngãi

14h30 - 16h00

Cả ngày

- Trưng bày, triển lãm, giới thiệu văn hóa du lịch, hình ảnh, hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đất và người Lý Sơn.

- Giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 26/10/2024 (Thứ Bảy)

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Làng dân tộc Gia Rai Khu các làng dân tộc II

Ngày 27/10/2024 (Chủ nhật)

08h00 - 10h30

Lễ dâng y Kathina tại chùa Khmer

Chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III

09h00 - 10h30

-

14h30 - 16h00

Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Làng dân tộc Gia Rai Khu các làng dân tộc II

Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống
Các ngày cuối tuần 05,06; 12,13; 19,20; 26,27/10/2024 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

Cả ngày

Chương trình trải nghiệm văn hoá truyền thống gắn với không gian văn hoá của đồng bào các dân tộc

Không gian các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày, Khu các làng dân tộc

- Trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi truyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời.

- Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: Không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh; trải nghiệm trang phục dân tộc…..

- Hoạt động phụ trợ khác theo điều kiện thực tế.

 

 

 

 

Không gian nhà A3, Khu các làng dân tộc III

Hoạt động của cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng

Ngày

01/10/2024 - 31/10/2024

 

- Hoạt động hàng ngày của các dân tộc tại Làng Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer chùa Khmer.

Dịp cuối tuần

Ngày (05,06; 12,13; 19,20; 26,27/10/2024)

(các thứ Bảy, Chủ Nhật).

 

- Giới thiệu văn hóa truyền thống làng bản tại không gian các làng dân tộc có đồng bào hoạt động hàng ngày và tăng cường trải nghiệm văn hóa cùng du khách.

- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: cà phê, ca cao…

- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, làm thuốc...

- Các chương trình du lịch trải nghiệm văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại Làng.

Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer.

Phạm Hương