Tổ chức hoạt động tháng 9 “Vui Tết độc lập”

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 9 được tổ chức từ ngày 31/8 - 30/9/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, sự kiện góp phần hưởng ứng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Qua đó giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đa dạng phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm cuối năm 2024.

Hoạt động tháng 9 với sự tham gia của của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng gồm: Hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Khoảng 70 đồng bào của 04 dân tộc, 02 địa phương tham gia tái hiện lễ hội, hoạt động: 20 đồng bào dân tộc Thái (Sơn La), 20 đồng bào dân tộc Mông, 30 đồng bào dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên) từ ngày 31/8 - 03/9. Khoảng gần 100 nghệ nhân, diễn viên quần chúng…của tỉnh Bắc Ninh tổ chức khu trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” từ ngày 31/8 - 02/9/2024.

Chương trình tháng 9 “Vui Tết độc lập” với các hoạt động như:

Hoạt động điểm nhấn dịp sư kiện nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 chủ đề: “Vui Tết độc lập”

A. Tái hiện chợ phiên vùng cao “Sắc màu vùng cao”

Tái hiện Chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập

Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc phía Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập” tạo không khí đậm nét chợ vùng cao cho du khách đi chợ trong đó phải kể đến hoạt động xuống chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Thái…vui Tết độc lập; chương trình dân ca dân vũ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống do chủ thể văn hóa là đồng bào các dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách.

50 gian hàng tại khu vực Chợ vùng cao gồm có: 33 gian chợ vùng cao giới thiệu sản vật địa phương, không gian văn hóa địa phương (trong đó địa phương điểm nhấn Thái Nguyên và Sơn La đảm nhận 12 gian); 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống; 9 gian hàng nước phục vụ nhu cầu của khách; Khoảng sân nhà Phù Lá gần chợ vùng cao giới thiệu ẩm thực truyền thống hỗ trợ một phần nhu cầu ẩm thực của du khách tham quan chợ.

Không gian giới thiệu, trưng bày ảnh “Sắc màu vùng cao”: Với khoảng 80 bức ảnh được trưng bày dọc tuyến đường vào chợ vùng cao trong đó có 40 bức ảnh này do Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phát huy từ bộ tư liệu ảnh trước đây đã trưng bày, 20 ảnh của Sơn La và 20 ảnh của Thái Nguyên.

Nhiều hoạt động của đồng bào các dân tộc sẽ được tái hiện tại "Chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập"

Giới thiệu nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên

Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui người Mông mời bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn còn khi buồn tiếng khèn chậm và trầm. Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng núi bao la, hùng vĩ nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mông. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo thể hiện sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.

Trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên

Đây là món bánh cổ truyền được làm từ gạo nếp nương, không thể thiếu trong dịp lễ Tết của đồng bào Mông. Bánh dày không chỉ tượng trưng cho tình yêu, sự thuỷ chung son sắt của đôi trai gái người Mông mà còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Bánh dày chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương, chịu khó của con người lao động và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, dẻo lại không bị nát. Khi xôi chín được đổ cả vào cối giã thật nhuyễn. Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chày được ngâm vào nước chống dính. Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Khi xôi được giã xong là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời trong truyền thuyết để lại. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa cho khỏi rách.

Chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết độc lập”

Biểu diễn dân ca dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc và các trò chơi dân gian truyền thống tạo một không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng của văn hóa dân tộc chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Các lễ hội truyền thống

Tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng, tỉnh Thái Nguyên

Với người Nùng chỉ có những người làm thầy cúng thì mới được cấp sắc, trước khi được cấp sắc thì người cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, hòa nhã với mọi người. Lễ cấp sắc thường thông qua 3 cấp khác nhau từ thấp đến cao, cấp 1 là cấp thấp nhất, cấp 3 là cấp cao nhất. Lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng bởi nó tập trung khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như hát, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn; sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của lễ cấp sắc của người Nùng.

Tái hiện nghi lễ gội đầu của dân tộc Thái, tỉnh Sơn La

Nghi lễ gội đầu gắn liền với một truyền thuyết mang bóng dáng của nhân vật lịch sử tồn tại trong mỗi bản làng của người Thái Trắng (Quỳnh Nhai) trong cộng đồng người Thái có một câu chuyện kể về nàng Han: Tương truyền nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái ở Chiềng Sa, là người con gái xinh đẹp, dũng cảm và có tài thao lược binh pháp. Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, nàng Han xin được cha giả trai, luyện tập cùng quân lính và dẫn đầu đoàn quân đi đánh giặc. Nàng được phong làm chủ tướng. Đoàn quân của nàng Han đi đến đâu quân xâm lược cũng bị đánh tan tác đến đó. Dẹp xong quân giặc, nàng cùng quân lính khải hoàn trở về đúng 30 Tết, nàng dừng chân bên bờ suối ra lệnh cho quân lính nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Nơi nàng tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón nàng về trời. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến nàng, nữ tướng anh hùng dân tộc, người dân nhiều nơi của 16 Châu Thái trong đó có Châu Chiên (Quỳnh Nhai) đã lập miếu thời nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên) thường cúng đúng vào dịp lễ, Tết và tổ chức nghi lễ gội đầu vào chiều 30 Tết hàng năm. Cầu mong nàng Han che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu và bản mường yên vui, mùa màng bội thu.

B. Ngày hội Văn hóa địa phương “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh giữa lòng Hà Nội”

Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

Đây là hoạt động quan trọng mang tính cố kết cộng đồng, tôn vinh sức mạnh đoàn kết trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên chống giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử. Theo truyền thống, nghi thức kéo co làng Hữu Chấp luôn phải vận hành theo hướng Đông - Tây trong đó đội hình kéo co là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia theo hai bên Đông và Tây. Cùng với ban nhạc là các bô lão đánh chiêng trống, 04 ông Hóa cầm cờ lệnh và 04 ông Vè làm nhiệm vụ cầm trịch. Trò chơi diễn ra sôi động, đông vui và náo nhiệt. Hai đội kéo 03 keo, người dân đứng xung quanh reo hò, cổ vũ cho đến keo thứ 3 thì ùa vào kéo cho đội Đông giành phần thắng với niềm tin Đông thắng thì Thánh sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu. Như nhiều lễ hội ở Bắc Ninh, nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp là hình thức sinh hoạt cộng đồng gắn với đời sống tinh thần của người dân làm nông nghiệp với các nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp. Thông qua trò chơi dân gian góp phần giáo dục cho người dân về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức khỏe dẻo dai và sức chịu đựng giúp người dân ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ tăng cường về sức mạnh đoàn kết.

Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội…Dân ca Quan họ là một hình thức giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đội nón thúng quai thao cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.

Trưng bày, giới thiệu kiến trúc, hình ảnh làng quê Quan họ, sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống

30 gian hàng cách điệu mang nét kiến trúc và hình ảnh làng quê Bắc Ninh - được bố trí theo 05 tổ hợp như sau: Khu giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trình diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh;Trình diễn nghề, trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống; Khu vực quảng bá, xúc tiến, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch; Khu trình diễn Rối nước Đồng Ngư, trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp, trưng bày hình ảnh, hiện vật lễ hội rước pháo Đồng Kỵ; Khu giới thiệu đặc sản, nông sản, ẩm thực truyền thống.

Hoạt động cuối tuần

Chương trình “Trung thu cho em”

Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc (ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc ca ngợi về quê hương đất nước); các hoạt động diễn xướng dân gian của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và truyền dạy, tương tác cùng du khách các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống

Chương trình “Gửi trọn niềm tin”

Giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động tại Làng trong niềm vui chung hân hoan của ngày hội non sông thể hiện tình yêu quê hương, đất nước quyết tâm đoàn kết xây dựng bản mường.

Mỗi cộng đồng dân tộc phía Bắc chuẩn bị các tiết mục và kết thúc bằng một vòng xòe đoàn kết thể hiện sự đồng lòng, tin yêu của các cộng đồng dân tộc Việt Nam tại ngôi nhà chung.

Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng dịp cuối tuần

Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, đàn Tính, hát Then, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm…

Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, leo cột, kéo co...

Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường, Thái; gà nướng… của dân tộc Dao; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Tày; bánh tình yêu và các sản vật đặc trưng của dân tộc Tà Ôi; các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...

Chương trình trải nghiệm văn hoá dân tộc truyền thống gắn với không gian của đồng bào.

Hoạt động hàng ngày

+ Tái hiện cuộc sống hàng ngày truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

+ Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc.

+ Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…

+ Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.

+ Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đánh yến…

Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống

Là không gian ngồi nghỉ cho du khách và tham gia trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời.

Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh; trải nghiệm trang phục dân tộc…..

Các hoạt động phụ trợ khác theo điều kiện thực tế

Thông qua một số trò chơi tuy đơn giản nhưng cũng giúp các em học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, con vật, góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn gắn kết thêm về tình bạn, tình yêu gia đình. Với không gian này giúp các em có thêm điểm dừng chân, thêm trải nghiệm, thêm niềm vui trong hành trình tham quan Khu các làng dân tộc.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình tổng thể 

STT

Thời gian

Nội dung hoạt động

Địa điểm

Ngày 31/8/2024

Sáng

09h00: Khai mạc các hoạt động tại khu trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh trong lòng Hà Nội”

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Chiều

14h00 - 16h30: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

15h00 - 16h00: Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

HOẠT ĐỘNG ĐIỂN NHẤN:
KHÔNG GIAN VĂN HÓA, DU LỊCH TỈNH BẮC NINH TRONG LÒNG HÀ NỘI
(từ ngày 31/8 đến hết ngày 02/9/2024)

Ngày 31/8-02/9/2024

Cả ngày

Chương trình trình diễn, giới thiệu Di sản:
+ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ Bắc Ninh
+ Trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia
+ Nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ
- Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống: Tranh Đông Hồ; Gốm Phù Lãng; Mây tre đan Xuân Hội; Đúc đồng Đại Bái...
+ Các sản phẩm đặc trưng địa phương.

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

HOẠT ĐỘNG ĐIỂM NHẤN: CHỢ PHIÊN VÙNG CAO - VUI TẾT ĐỘC LẬP
(Từ ngày 31/8 đến hết ngày 03/9/2024)

Ngày 31/8

-

03/9/2024

Cả ngày

- Giới thiệu không gian văn hóa chợ vùng cao tỉnh Thái Nguyên, Sơn La và các địa phương khác với sắc màu đặc trưng của các dân tộc và sự tương tác trình diễn của các chủ thể văn hóa.
- Giới thiệu nét đẹp văn hoá qua nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân đồng bào tỉnh Sơn La: Nghệ thuật thêu khăn Piêu, dệt vải của dân tộc Thái…
- Giới thiệu ẩm thực dân tộc: Thắng cố, xôi màu, gà quay dân tộc, lợn quay, rượu ngô, cá nướng…
- Giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến, rau, củ, quả tươi...
- Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống: Đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ, nấu rượu…
- Hoạt động dân ca, dân vũ “Vui Tết độc lập” và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La...từ ngày 31/8 -3/9/2024.

 

 

 

 

 

Không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I

 

 

 

Ngày 31/8

-

03/9/2024

Sáng

08h30 - 09h00 các ngày từ 31/8 đến hết ngày 03/9/2024: Giới thiệu nghệ thuật múa khèn dân tộc Mông tỉnh Thái Nguyên

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

09h00 - 09h30 các ngày từ 31/8 đến hết ngày 02/9/2024: Giới thiệu, trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

09h30 - 10h30 các ngày từ 31/9 đến hết ngày 03/9/2024: Chương trình “Vui Tết độc lập” của đoàn nghệ nhân dân tộc huy động sự kiện của tỉnh Sơn La, Thái Nguyên.

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

- 10h30 - 11h00: Không gian trò chơi dân gian tại Chợ: Các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: đánh quay, đánh đu, đánh yến, tó má lẹ…

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

14h30 - 16h00 các ngày từ 31/8 đến hết ngày 03/9/2024: Chương trình “Vui Tết độc lập” của đoàn nghệ nhân dân tộc huy động sự kiện của tỉnh Thái Nguyên, Sơn La

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

- 16h00 - 16h30: Không gian trò chơi dân gian tại Chợ: Các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, nhảy sạp…

Không gian chợ vùng cao phía Bắc

Ngày 01/9

(Chủ nhật)

Sáng

- 09h00 - 10h00: Tái hiện Lễ cấp sắc của dân tộc Nùng, tỉnh Thái Nguyên.

Không gian làng dân tộc Nùng, khu các làng dân tộc I

09h00 - 11h00: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

 

 

 

 

   

 

Khu tổ hợp trưng bày tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

09h30 - 10h30: Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Chiều

14h00 - 16h30: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

15h00 - 16h00: Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ngày 02/9

(Thứ Hai)

Sáng

- 09h00 - 10h00: Tái hiện nghi lễ gội đầu  đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La 

Không gian làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I.

09h00 - 11h00: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

Khu tổ hợp trưng bày tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

09h30 - 10h30: Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Chiều

14h00 - 16h30: Trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” - Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; nghệ thuật múa Rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ

 

 

Khu tổ hợp trưng bày tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

15h00 - 16h00: Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

CÁC HOẠT ĐỘNG “VUI TẾT TRUNG THU”
Ngày 14,15/9/2024 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

Dịp

cuối tuần (14,15/9/2024)

Sáng

- 09h00 - 10h30; 14h30 - 16h00: Chương trình dân ca dân vũ “Trung thu cho em” của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III

Chiều

Cả ngày

Trải nghiệm một số trò chơi dân gian truyền thống tương tác cùng chủ thể văn hóa

- Trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre…tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời.
- Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: Không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh; trải nghiệm trang phục dân tộc…
- Hoạt động phụ trợ khác theo thực tế.

 

   

Không gian nhà A3, Khu các làng dân tộc III

Dịp cuối tuần (28,29/9/2024)

Sáng

- 09h00 - 10h30; 14h30 - 16h00: Chương trình dân ca dân vũ “Gửi trọn niềm tin” của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng

Không gian làng dân tộc Mường, Khu các làng dân tộc I

Chiều

Từ ngày 31/8 -

30/9/2024

 

Cả ngày

- Hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca dân vũ của các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer trong đó tăng cường kết nối, các hoạt động trải nghiệm, tương tác cùng du khách.

Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer

 

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc
- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: hát ay ray và diễn tấu Đinh năm của dân tộc Ê Đê..
- Các trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, đánh yến, bập bênh...
- Các hoạt động khác: Hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, làm thuốc...
- Chương trình du lịch trải nghiệm gắn với các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách tại không gian Khu các làng dân tộc./.

Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

 Phạm Hương