Tổ chức các hoạt động tháng 5 “Theo dấu chân Người”
(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 5 được tổ chức từ ngày 02 - 31/5/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2024).
Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng, miền thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Góp phần thực hiện đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng việc làm, hoạt động cụ thể thiết thực của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại “Ngôi nhà chung”.
Hoạt động tháng 5 với sự tham gia của hơn 100 người của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng). Huy động thêm khoảng 25 nghệ nhân đồng bào Gia Rai tỉnh Gia Lai ngày 18,19/5/2024.
Đồng bào quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện, cảm xúc của mình dành cho Bác
Chương trình tháng 5 “Theo dấu chân Người” với các hoạt động:
1. Hoạt động sự kiện “Theo dấu chân Người”
1.1. Tái hiện Lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Gia Rai nhằm tạ ơn đấng thần linh sau một năm làm ăn của đồng bào, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết vượt khó của đồng bào dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai. Đây là dịp để toàn thể dân làng người Gia Rai thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, địch họa và cầu xin cho thần linh tiếp tục giúp đỡ để cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và những vụ mùa được tươi tốt. Sau khi hoàn tất các nghi thức cúng theo phong tục truyền thống kính cáo tổ tiên, thần linh…Các già làng uống ghè rượu cúng đầu tiên, sau đó mời tất cả dân làng cùng uống. Đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu các bài chiêng truyền thống, các cô gái múa xoang theo nhịp chiêng rộn ràng vòng quanh cây nêu, các cụ già thì ngồi kể khan, hát dân ca cho nhau nghe. Họ cùng nhau tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh và ngày hội được kéo dài. Lễ mừng chiến thắng thể hiện tất cả những tinh hoa trong văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đến đây, ta sẽ được nghe tiếng chiêng ngân vang từ những bộ cồng chiêng cổ nhất, có âm thanh hay nhất; được xem những thiếu nữ xinh đẹp uyển chuyển bước trong vòng xoang theo nhịp trống chiêng, với những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất và quý nhất trong niềm tin vô hạn của buôn làng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe, chống lại tất cả những điều rủi ro ngoài kia.
1.2. Chương trình dân ca dân vũ “Tây Nguyên với Bác Hồ, Bác Hồ với Tây Nguyên”
Tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiết mục dân ca dân vũ thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ.
Kết hợp những câu chuyện kể của những người con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tình cảm của Bác Hồ cũng như từ tấm gương của Bác đồng bào noi theo Bác học tập và làm theo Bác.
Giới thiệu các tích trò, các hoạt động diễn xướng dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai.
Kết hợp giới thiệu văn hoá - du lịch của mảnh đất Gia Lai và vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Gia Rai.
1.3. Chương trình dân ca dân vũ “Bài ca dâng Bác” của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng
Chương trình với các ca khúc, biểu diễn nhạc cụ, điệu múa, diễn xướng dân gian ca ngợi Bác Hồ thể hiện được tình cảm của Bác dành cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng theo lời Bác dặn đoàn kết một lòng tin theo Đảng, theo Bác để cùng với nhau bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng quê hương bản làng, phum sóc giàu đẹp.
1.4. Đồng bào tại Làng thể hiện tình yêu đối với Bác Hồ
Đối với cụm các dân tộc phía Bắc: Đồng bào cùng nhau kể những câu chuyện về Bác Hồ khi Người về hoạt động cách mạng tại Cao Bằng và xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Màu áo chàm thân thương của đồng bào dân tộc Tày, Nùng…là hình ảnh gợi nhớ cho những ngày gian khổ ấy, tấm lòng, tư tưởng sự giản dị ấm áp của Bác Hồ mãi mãi trong trái tim của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc…là những cảm xúc của đồng bào Thái (nghệ nhân đồng bào Lò Thị Tóm) là cháu ngoan Bác Hồ đã được gặp gỡ Bác…và từ những câu chuyện đó để đồng bào mình hiểu hơn, yêu hơn Bác học tập đạo đức phong cách của Người trong đời sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc.
Đối với cụm Tây Nguyên: cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về Bác, những bài học từ cuộc đời của người một cách gần gũi nhất để đồng bào mình hiểu hơn, yêu hơn về Bác. Riêng đối với làng dân tộc Tà Ôi tạo điểm nhấn với tình cảm của những người con họ Hồ, nghe tìm hiểu về các câu chuyện về Bác, tình cảm của đồng bào Tà Ôi với Bác Hồ với chương trình “Thiếu nhi về với làng đồng bào mang họ Bác”…
Đối với cụm Nam Bộ: Đồng bào cùng thể hiện lời ca tiếng hát, mong ước của Người về nỗi nhớ da diết miền Nam qua tình cảm của những người con Khmer Nam Bộ với Bác.
1.5. Tiếp tục phát huy bộ hiện vật là những tấm pa nô sau Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” còn lưu giữ và hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Tiếp tục phát huy một số bức ảnh từ Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” và trưng bày thêm khoảng 30 ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cũng như hình ảnh của Bác Hồ kính yêu với cộng đồng các dân tộc. Kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh tạo không gian giới thiệu sinh động tới du khách về Bác Hồ, về đại tướng Võ Nguyên Giáp.
1.6. Tổ chức Lễ Phật đản
Là ngày lễ kỷ niệm lớn nhất trong năm của Phật giáo, ngày lễ Phật đản hay còn gọi là Vesak, tam hợp, kỷ niệm 03 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ngày đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn. Vào ngày lễ này, phật tử thường đến chùa cúng dường trai tăng, nghe pháp, xin thọ trì tam quy và ngũ giới, có các hoạt động như tụng kinh, thọ hạnh đầu đà một đêm và đặc biệt là tổ chức nghi thức tắm Phật. Lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của Ngài.
Chương trình: Phật tử vân tập; Cung thỉnh chư tăng; Giới thiệu thành phần tham dự và chương trình buổi lễ; Lễ bái Tam bảo; Phật tử thọ trì tam quy ngũ giới; Nghi thức tắm tượng; Chư tăng tụng kinh chúc phúc, thuyết pháp; Phật tử dâng trai tăng; Thọ trai; Hoàn mãn.
2. Hoạt động cuối tuần của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng
Lan tỏa từ những câu chuyện kể về Bác đồng bào các dân tộc học tập theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, tháng Năm sinh nhật Bác cũng là thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác kính yêu không chỉ bằng việc biết đến câu chuyện kê về Bác, những lời ca tiếng hát về Bác mà từ các hoạt động gắn với đời sống của đồng bào, để thấy ý nghĩa và tin yêu hơn về Đảng, về Bác.
* Đối với các hoạt động lao động sản xuất: tích cực tăng gia sản xuất không chỉ chăm lo cho bữa ăn của đồng bào, tăng thêm thu nhập nhờ giới thiệu bán cho du khách các sản phẩm đó mà đó cũng chính là việc mỗi đồng bào mình đang học tập, rèn luyện tăng gia sản xuất phát huy những phẩm chất tự nhiên cả đồng bào, rèn luyện tính chăm chỉ, ý thức trách nhiệm tập thể, gần gũi trong mỗi bản làng.
* Đối với các nhóm làng có thế mạnh về dân ca dân vũ: Tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ của các làng dân tộc có thế mạnh thành các chương trình nhỏ tại các địa điểm biểu diễn phù hợp ở làng của đồng bào để tạo không gian cũng như thưởng thức cho du khách, những lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian về Bác Hồ kính yêu, thể hiện tình cảm của đồng bào mình với Bác; tiếp cận các hình thức phù hợp giới thiệu văn hóa của các cộng đồng qua các chủ thể văn hóa. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát Then, đàn Tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát Ay ray, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, lâm lêu…
* Đối với các nhóm làng có thế mạnh về nghề thủ công truyền thống: Tăng cường giới thiệu đến du khách các nghề thủ công từ các thao tác chọn nguyên liệu, các khâu hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu cho du khách cách thực hiện và các sản phẩm khi hoàn thiện. Tăng cường tính chủ động và linh hoạt của các nghệ nhân đồng bào trong phương thức tiếp cận đến du khách.
Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...
Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: Xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày, Nùng; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: Hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...
* Giới thiệu hoạt động điểm nhấn của các làng hoạt động hàng ngày với mỗi làng một hoạt động trải nghiệm, tương tác cùng du khách lựa chọn trải nghiệm tại một trong các làng dân tộc được luân phiên nhau theo các cụm tuyến điểm, du khách sẽ được nghe chính đồng bào kể những câu chuyện từ những món ăn, trực tiếp thưởng thức thành quả và mang quà về cho gia đình.
Chương trình du lịch gắn với trải nghiệm tại không gian khu các làng dân tộc.
Hoạt động hàng ngày
Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc; Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, bập bênh…
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Chương trình tổng thể
Thời gian
|
Nội dung hoạt động
|
Địa điểm
|
Từ ngày 02/5 đến 31/5/2024
|
Cả ngày
|
Tiếp tục trưng bày Triển lãm với chủ đề “Theo dấu chân Đại tướng” và trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc với điểm nhấn “Theo dấu chân Người”
|
Sân lễ hội làng III, khu các làng dân tộc III
|
Ngày 11,12/5/2024 (thứ Bảy, Chủ nhật)
|
09h00 - 10h30
-
14h30 - 16h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Bài ca dâng Bác” của các nhóm cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng
|
Sân lễ hội làng III, khu các làng dân tộc III
|
Ngày 18/5/2024 (thứ Bảy)
|
09h00 - 10h30
-
14h30 - 16h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai
|
Làng dân tộc Gia Rai, khu các làng dân tộc II
|
Ngày 19/5/2024 (Chủ nhật)
|
08h00 - 10h00
|
Lễ phật đản tại chùa Khmer
|
Quần thể chùa Khmer, khu các làng dân tộc III
|
09h00 - 10h00
|
Tái hiện Lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai
|
Làng dân tộc Gia Rai, khu các làng dân tộc II
|
10h00 - 11h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” của dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai
|
14h30 - 16h00
|
Chương trình dân ca dân vũ “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” của dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai
|
Hoạt động của cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng
|
Ngày
02/5/2024 - 31/5/2024
|
- Hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.
|
Dịp cuối tuần
Ngày (04,05; 11,12; 18,19; 25,26/5/2024)
(các thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ).
|
- Trải nghiệm giới thiệu văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày: nhà ở, kiến trúc, trang phục, phong tục tập quán...và những câu chuyện kể, tình cảm của đồng bào các dân tộc đối với Bác kính yêu.
- Chương trình dân ca, dân vũ: Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca,...
- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…
- Các trò chơi dân gian: ném còn, đi cà kheo, bập bênh, ném pao ...
- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc...
- Chương trình du lịch để du khách trải nghiệm tại không gian khu các làng dân tộc.
|
Không gian các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, chùa Khmer, chùa Pháp Ấn.
|
Phạm Hương