Đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách
(LVH) - Sáng ngày, 8/10, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã biểu diễn chương trình đặc sắc nhằm giới thiệu nghệ thuật tuồng và hát văn đến với đông đảo du khách tham quan.
 |
Trích đoạn “Ngũ biến” của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Khu các làng dân tộc III
|
Đây là 1 hoạt động của tháng 10 với chủ đề “Hành trình qua các miền di sản”, do Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện. Phát triển khán giả và du khách thông qua hoạt động biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật truyền thống là nhu cầu cấp thiết, đồng thời là hướng đi đầy triển vọng đối Ban Quản lý và các đơn vị biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
 |
Trích đoạn 1 giá hầu đồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Khu các làng dân tộc III
|
Là một loại hình kịch hát thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông, tuồng mang đậm âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về đạo lý, khí tiết của người anh hùng trong các hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột. Chính vì vậy, thông qua những trích đoạn vở diễn, những nghệ sỹ đã đem đến những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo cho người xem.
Với những trích đoạn vở diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” và “Ngũ biến”, cùng với trích đoạn giá hầu đồng được biểu diễn tại sân khấu Khu các làng dân tộc III của những nghệ sỹ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thu hút đông đảo du khách đến xem.
 |
Ban nhạc đệm
|
Thông qua hoạt động này, du khách tham quan được tiếp cận và thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyến thống độc đáo trong không gian đậm màu sắc dân tộc của “Làng”. Theo ông Phan Bá Lượng, du khách đến từ Học viện Tài Chính, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đến tham quan ở đây lần đầu. Tôi cũng có biết khu văn hóa – du lich này trên phương tiên thông tin đại chúng nhưng thật thú vị khi được mục sở thị và tìm hiểu về bản sắc dân tộc Việt Nam một cách tập trung và sinh động khi đến đây. Đặc biệt, được thưởng thức nghệ thuật tuồng, chầu văn trong không gian truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam…”.
Bên cạnh chương trình sân khấu giới thiệu 1 số loại hình nghệ thuật truyến thống, tại không gian làng dân tộc III du khách còn được thưởng thức triển lãm ảnh giới thiệu khoảng 60 ảnh về hành trình đến với di sản UNESCO và việc bảo tồn, phát huy, quảng bá những loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc.
 |
Du khách tìm hiểu Nghệ thuật truyền thống qua Triển lãm ảnh tại Khu các làng dân tộc III
|
Có mặt để chỉ đạo trực tiếp cho những hoạt động của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại “Làng”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát khẳng định “Giới thiệu nghệ thuật tuồng nói riêng, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung cho du khách tại “Làng” là chủ trương đúng đắn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện rất tốt.Tôi thấy biểu diễn những trích đoạn tuồng hay chầu văn là phù hợp về không gian tổ chức, hữu ích trong mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống quay trở về đúng vị trí của nó trong lòng khán giả Việt Nam. Về lâu dài, chúng tôi sẽ nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống gắn kết với du lịch…”.
Tuồng và chầu văn là những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam, ẩn chứa những tinh hoa văn hoá và giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Hàng trăm năm qua, những loại hình này đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử để góp phần làm nên một bản sắc văn hóa Việt Nam. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thông qua “Hành trình qua các miền di sản”, góp phần tích cực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý giá này.
Cho đến hết tháng 10, tại “Làng” còn hàng loạt những hoạt động thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm như: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm gốm thủ công truyền thống, tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt và văn hóa lúa nước của cư dân tại vùng châu thổ Sông Hồng; Nghệ nhân giới thiệu quy trình làm gốm. Chương trình trải nghiệm “Bạn làm thợ gốm” với các không gian cho du khách được trải nghiệm một số công đoạn làm gốm truyền thống. Đặc biệt, một số lễ hội như: Lễ mừng cơm mới (dân tộc Thái); lễ dâng y Kathina (dân tộc Khmer) do chính chủ thể văn hóa thực hiện cũng sẽ được tổ chức thực hiện tại không gian truyền thống các làng dan tộc.
Những hoạt động hàng ngày vẫn nối tiếp thực hiện như: giới thiệu thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Tày, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Ba Na, Ê Đê, Khmer.
 |
Một gia đình tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu sẽ tiếp tục được giới thiệu vào các ngày cuối tuần: Múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao quần chẹt; diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và hát dân ca của dân tộc Ba Na; hát Ay Ray và diễn tấu Đinh Năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa ra van của dân tộc Khmer; Các trò chơi dân gian; Trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Chương trình du lịch Homestay “Một ngày bản buôn” tại nhà Mường, Tày, Thái sẽ là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thu Loan