Khám phá một vòng đất nước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội địa điểm văn hóa, du lịch nổi tiếng giữa lòng thủ đô, nơi du khách có thể khám phá một vòng đất nước mà không cần phải đi xa.

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40km theo hướng đại lộ Thăng Long, với tổng diện tích1544ha (gồm 605ha đất, 939ha đất có mặt nước), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm tại vị trí địa lý đẹp, giao thông thuận tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi của người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là vùng đất bán sơn địa có địa hình đồi núi đa dạng, có thung lũng, hồ nước, cảnh quan thiên nhiên trong lành và hệ động thực vật phong phú với nhiều chủng loại.

Qua cổng soát vé, du khách di chuyển bằng xe điện vào Khu các làng dân tộc - đây được xem là trái tim của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi tái hiện văn hóa kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam, Khu các làng dân tộc với diện tích 198,61ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước, trong đó gồm có 4 Cụm làng.

Điểm dừng chân đầu tiên của du khách sẽ là Cụm làng I gồm không gian văn hóa của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với những gian nhà sàn, nhà trình tường mộc mạc, mỗi dân tộc lại có những nét kiến trúc riêng, độc đáo, trong đó, du khách có thể vào tham quan và giao lưu với đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú đang sinh sống tại Làng, ngắm cảnh quan thiên nhiên đồi chè, vườn hoa cánh bướm…tại đây.

Tiếp đó, là không gian Cụm làng II gồm các công trình văn hóa, cảnh quan 18 dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng Nam Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên. Tại đây du khách có thể chiêm ngưỡng những mái nhà rông sừng sững mang vẻ đẹp uy nghiêm đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, những công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo khác như nhà mồ, vườn tượng... Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu thêm văn hóa của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê cũng đang hoạt động thường xuyên tại Làng.

Nằm cạnh Cụm làng II là Cụm làng III, thể hiện nơi sinh sống của các dân tộc cư trú ở vùng bán sơn địa, cao nguyên, đồi núi, triền sông (vùng Nam Tây Nguyên và Nam Bộ) gồm dân tộc Chăm, Khmer, Chơ ro, Chu Ru. Đây là một trong những điểm đến thu hút du khách bởi không chỉ cảnh quan mà còn có bởi vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng của hai công trình kiến trúc quần thể tháp Chăm và quần thể chùa Khmer. Tại đây, có đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng cũng đang tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng.

Còn Cụm làng IV gồm các công trình văn hóa, cư trú ở nhiều vùng cảnh quan như bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, duyên hải, triền sông, thị trấn, thị tứ thuộc nhiều vùng văn hóa khác nhau của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu.

Chỉ trong vòng một ngày tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam du khách có thể khám phá, chiêm ngưỡng tổng thể kiến trúc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, hiểu thêm về văn hóa truyền thống rất gần gũi, mộc mạc của 54 dân tộc anh em giữa không gian yên bình, không khí trong lành sẽ đem đến cho du khách chuyến đi nhiều ý nghĩa và vui vẻ bên người thân và bạn bè.

Hải Yến (ảnh FB Tác giả-Tác phẩm)