Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Dự án văn hoá quy mô lớn, có tính đặc thù cao

(LVH)  - Theo quy hoạch chung Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) có 7 khu chức năng. Đây là dự án văn hoá có quy mô lớn, có tính đặc thù cao, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia

Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia đa dạng về sắc màu văn hóa các dân tộc. Trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay có sự chung sống của 54 tộc người, mỗi tộc người là một bức tranh đặc sắc, phong phú về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách mạnh mẽ và xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều giá trị văn hoá đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc không được coi trọng. Vì thế, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các tộc người ở nước ta từ lâu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Một giải pháp được đưa ra là cần thiết phải nhanh chóng xây dựng một Khu Làng văn hóa dành riêng cho các dân tộc.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em và để chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, nhằm biến nơi đây trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, việc xây dựng Làng Văn hoá cũng khác hoàn toàn với mô hình làng văn hoá như là một danh hiệu ở các địa phương trong cả nước. Qua việc tái hiện và giới thiệu văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Làng Văn hoá góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa của du khách trong nước, giới thiệu về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế; tăng cường tính phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Việc xây dựng Làng cũng nhằm tạo nên một cảnh quan thiên nhiên, góp phần cân bằng sinh thái cho môi trường của Thủ đô Hà Nội, là nơi phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của nhân dân trong nước và du khách quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển bền vững giữa văn hóa và du lịch, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, dự án Làng Văn hóa được triển khai với mục tiêu ghi trong Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng: “Xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân cả nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc, tiến hành việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân thiện mỹ, đồng thời đem lại nguồn thu, tiến tới thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch”.

Dự án lớn, nhiều đặc thù hấp dẫn

Nằm trong vùng có nhiều danh thắng, Làng có nhiều lợi thế và cơ hội, trở thành một trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia, có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là khả năng liên kết thuận lợi với các trung tâm kinh tế trong vùng thông qua hệ thống giao thông thuận lợi, cùng với những lợi thế thu hút đầu tư phát triển du lịch thương mại.

Các em học sinh tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa là dự án văn hoá có quy mô lớn, có tính đặc thù cao, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như: Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Vị trí thuận lợi và cảnh quan môi trường đẹp, Quy hoạch tổng thể là khu phức hợp đa chức năng và Quy hoạch chi tiết mở, Cơ sở hạ tầng chung chất lượng cao cũng như sự bổ trợ từ các dự án liền kề. Đặc biệt là Khu các làng dân tộc - Lõi văn hoá, “linh hồn” của dự án Làng Văn hóa, được Nhà nước cấp vốn đầu tư và chú trọng phát triển, tạo nên bức tranh phong phú, mang bản sắc riêng của các dân tộc Việt Nam và gửi đến du khách những trải nghiệm khó quên.

Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư các dịch vụ tại và các nguồn từ xã hội hóa như dịch vụ xe điện, khu ẩm thực, hướng dẫn tour cho du khách, tạo sự chuyển biến trong việc tăng cường các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các khu chức năng kêu gọi đầu tư vào Làng, công tác quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng đẩy mạnh và có nhiều khởi sắc.

Nguyên Hà