Đặc sắc trang phục dân tộc Cơ Ho
Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Cơ Ho có truyền thống tự dệt vải và may các bộ trang phục cho dân tộc mình. Trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, bộ trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho vẫn còn bảo lưu được nhiều sắc thái văn hóa truyền thống.
Người Cơ Ho ngày xưa ăn mặc rất đơn giản, tất cả đều cởi trần, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn. Khi vải còn khó tìm, họ đã dùng vỏ cây rừng ngâm cho hết nhựa, gấp đôi lại khoét cổ và ống tay khâu lại bằng dây mây để làm áo chống rét.
Đồng bào Cơ Ho đến từ tỉnh Lâm Đồng về tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Qua thời gian nghề dệt vải và may trang phục của người Cơ Ho rất phát triển. Ngày nay, người Cơ Ho có quan niệm về vẻ đẹp trang phục giản dị, nhưng vẫn độc đáo. Nam giới K’ho vốn có thân hình vạm vỡ chắc khoẻ , nên đàn ông thường ở trần, đóng một chiếc khố khá rộng, dài từ 1,5 đến 2 m có hình hoa văn theo dải dọc. Khố được quấn vòng quanh bụng, luồn qua háng, hai đầu khố quấn qua phía trước và phía sau mông.
Áo nam Cơ Ho được dệt khá đơn giản, đó là kiểu áo chui đầu, cổ áo tròn, không có tay áo và nền hoa văn trang trí màu xanh đen. Áo của nam trước đây cài buộc bằng dây vải, còn ngày nay cài bằng nút (khuy áo bọc vải). Các hoạ tiết trang trí trên áo của nam tập trung nhiều ở chân áo với các hoạt tiết hình bông hoa, mắt chim. Chiếc khố khi mặc cùng với áo luôn tạo cho thân hình nam giới vẻ đẹp khoẻ khoắn và mạnh mẽ.
Đồng bào Cơ Ho tái hiện Lễ mừng lúa mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong các buổi lễ cúng bái, người Cơ Ho thường diện trang sức là chuỗi cườm đeo ở cổ. Riêng thiếu nữ chưa chồng thêm vòng đồng đeo ở cổ tay cổ chân đến 25 chiếc, đến khi lấy chồng thì tháo bớt ra. Đàn ông khi đã có vợ vòng đồng thường xuyên đeo ở cổ tay. Ngoài ra, người Cơ Ho cổ còn cà răng căng tai, nhuộm răng.
Theo tục truyền thống, các cô gái Cơ Ho phải biết dệt vải từ khi còn nhỏ để đến tuổi trưởng thành thì đem sản phẩm dệt của mình làm đồ sính lễ sang nhà trai. Tuy nhiên, nghề dệt vải nơi đây chỉ dừng lại ở mức không chuyên và chỉ làm trong thời gian rảnh rỗi.
Nguyên liệu dệt vải chủ yếu là sợi bông do đồng bào tự trồng, các loại cây phụ liệu được lấy từ núi rừng, ruộng rẫy. Màu nhuộm vải được bà con lấy từ các loại củ, quả, lá cây trong rừng như: Củ nghệ chế ra màu vàng, hạt quả cari còn gọi là quả nho để chế màu cam, vỏ và thân cây lốt tạo màu đỏ, lá cây drửm tạo màu xanh đậm, xanh dương, còn màu đỏ thì lấy từ loại cỏ họ dền, phơi khô, nấu, lọc rồi nhúng sợi vào.
Để màu nhuộm được bền, bao giờ trong dung dịch nước nhuộm sợi, bà con cùng hòa thêm bột vỏ sò và tro củ chuối. Khi dệt, người phụ nữ ngồi duỗi thẳng chân trên sàn, hai chân đạp và giữ chặt một thanh chủ của khung dệt và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng người dệt để cố định và kéo căng khung sợi. Các thanh khác tùy theo chức năng của chúng mà luồn rất khéo vào giữa giàn sợi.
Trên những tấm vải thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho, nét độc đáo nhất chính là những họa tiết, hoa văn sinh động được người dệt gửi gắm bằng tất cả tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người của mình. Đó có thể là các loại hoa văn hình kỷ hà, người, các loài muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con như: cầu thang nhà sàn, cổ nỏ, tua cây nêu, cán xà gạt, con thuyền, mắt chim công, đường ranh, lá đùng đình, cây chông, vầng trăng, con bọ chè,…
Hiện nay, những bộ trang phục truyền thống ít được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng trong sự phát triển của thời trang hiện đại, trang phục truyền thống của người Cơ Ho vẫn luôn giữ được những nét đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình.
Phạm Hương (Tổng hợp)