Không gian văn hóa Tây Nguyên tại “Ngôi nhà chung"

(LVH) - Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), du khách sẽ được khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng Tây Nguyên, mảnh đất cao nguyên chỉ có hai mùa mưa, nắng với những xúc cảm thật kỳ diệu, con người Tây Nguyên phóng khoáng và có điều gì đó bí ẩn cuốn hút đến lạ kỳ.

Mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió là nơi cư trú của đồng bào dân tộc anh em, như đồng bào dân tộc: Ê Đê, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na...đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang làm lên những kho tàng văn hóa đồ sộ tiêu biểu như những âm thanh cồng chiêng, đàn đá và những bộ gõ tự chế,  các ca khúc mang âm hưởng hào hùng của núi rừng đại ngàn, không chỉ phản ảnh tâm hồn phóng khoáng mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật của đồng bào các dân tộc nơi đây. Vùng đất Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng nhưng tổng thể vẫn có sự thống nhất và hòa hợp với nhau, đặc biệt trong đó có những nét đặc trưng về âm nhạc vô cùng phong phú.

Một trong nhiều Lễ hội hoạt động tại làng dân tộc Ba Na

Không gian văn hóa Tây Nguyên nằm ở trong khuôn viên khu các làng dân tộc II, đây là không gian Văn hóa của 18 dân tộc vùng Trường sơn Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung bộ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Đảo, nơi có mái nhà Rông cao vút, ngôi nhà dài của chế độ mẫu hệ và những bức tượng nhà mồ huyền bí, du khách đến tham quan vừa được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của đồng bào Tây Nguyên vừa thưởng thức những lời ca tiếng hát trong trẻo, hào sảng vừa trải nghiệm những điệu múa truyền thống của đồng bào đang hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trong không gian Khu các làng dân tộc II, du khách có thể vừa tham quan nhà dân tộc Ba Na vừa giao lưu tìm hiểu về phong tục tập quán của những con người  mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Để tạo nên những âm thanh sôi nổi cho buôn làng không thể thiếu được các nhạc cụ rất đa dạng gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Múa dân gian Ba Na trong đó có múa phục vụ nghi lễ và biểu diễn ở hội hè được nhiều người ưa chuộng. Trường ca, Truyện cổ của dân tộc Ba Na cũng là những tác phẩm dân gian cổ truyền độc đáo, có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Đối với dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào Ba Na nói riêng thì chiếc cồng chiêng là biểu tượng cho sự thiêng liêng cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống của dân tộc Ba Na, âm hưởng cồng chiêng gắn bó với họ suốt cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi.

Không gian văn hóa tại Làng dân tộc Xơ Đăng

Cũng trong không gian Khu các làng dân tộc II, chúng ta có thể qua làng dân tộc Xơ Đăng cùng giao lưu với đồng bào, nếu trong giai điêu rộn ràng của cồng chiêng Ba Na tạo lên không khí sôi động thì những giai điệu âm thanh réo dắt của các nhạc cụ thuộc bộ gõ của người Xơ Đằng như lời chào êm ái của núi rừng làm du khách không khỏi vui mừng khi dặt chân vào không gian ấy. Người Xơ Ðăng có nhiều loại nhạc cụ (đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, trống, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước...). Có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội. Các loại nhạc cụ cụ thể và điệu tấu nhạc có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm. Những điệu hát phổ biến là: hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, đồng bào trình diễn múa: có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia, truyện cổ Xơ Ðăng phong phú và đặc sắc.

Nằm kế bên là không gian làng dân tộc Ê Đê, đến nơi đây chúng ta không chỉ thưởng thức các món ăn và phong tục tập quán của đồng bào mà còn được hòa mình vào các giai điệu mang âm hưởng Tây Nguyên hào hùng, người Ê Đê có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú. Trong đó nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc và độc đáo, giàu bản sắc cùng với sự đa dạng, phong phú trong các hình thức biễu diễn. Nhạc cụ của người Ê Đê gồm có: cồng chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Ktuk được nhiều người yêu thích. Về văn chương, khan là sử thi, trường ca cổ xưa, hình thức biểu diễn là loại ngâm kể kèm theo một số động tác để truyền cảm. Về dân ca có hát đối đáp, hát đố, hát kể gia phả. Nền âm nhạc Ê Ðê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng. Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở vùng Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.

Không gian văn hóa Nhà dân tộc Ê đê

Có thế nói đến với không gian Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Du khách sẽ  thích thú được hòa mình vào không gian âm nhạc của đông bào Tây Nguyên và đây cũng là nơi khách tham quan được thưởng thức nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, các trò chơi truyền thống và nhiều các hoạt động khác của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Thúy Nga