Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại "Ngôi nhà chung"

(LVH) - Ngày 19/4 là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, từ năm 2009, ngày 19/4 đã trở thành ngày hội của các dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên cả nước.

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại "Ngôi nhà chung"

Trong những năm vừa qua, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) đã trở thành Ngày hội của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng đều có trọng tâm, trọng điểm, có mục đích cụ thể và có nhiều nội dung gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng, miền, địa phương, tích cực tham gia và lồng ghép với các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước thường xuyên đưa công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vào kế hoạch hàng năm với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng trên các hệ thống phát thanh, truyền hình và đưa tin, kết hợp với các tọa đàm hoặc tường thuật, truyền hình trực tiếp, phát sóng tin, bài, chuyên đề, chuyên mục.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) là một trong ba sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Đồng bào các dân tộc tham gia sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại "Ngôi nhà chung"

Sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tổ chức hàng năm tại Làng đều có sự tham gia của nhiều thành phần dân tộc đến từ các tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền tham gia các hoạt động như: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Điện Biên), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (Tp. Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng), Gia Rai (Gia Lai), Ba Na (Kon Tum).... Đặc biệt, có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đại diện cho các dân tộc có số dân dưới 10.000 người (dân tộc thiểu số rất ít người) có thành tích trong bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thực hiện tốt Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam như: dân tộc Bố Y, dân tộc Phù Lá (Lào Cai), dân tộc Brâu, dân tộc Rơ Măm (Kon Tum), dân tộc Chứt (Quảng Bình), dân tộc Cống, dân tộc La Hủ, dân tộc Lự, dân tộc Mảng, dân tộc Si La (Lai Châu), dân tộc Cờ Lao, dân tộc Lô Lô, dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Pu Péo (Hà Giang), dân tộc La Ha (Sơn La), dân tộc Ngái (Quảng Ninh), dân tộc Ơ Đu (Nghệ An). 

 Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

 Hàng năm, tại “Ngôi nhà chung” - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động lớn kỷ niệm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” như tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ để tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam; tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, các nhà khoa học để đề xuất những sáng kiến, ý tưởng giải pháp thực hiện chính sách văn hóa dân tộc; Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền; Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam;...

 

Do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất nguy hiểm nên các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2020 đã tạm hoãn

 

Để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ mãi là Ngày hội của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thì các cơ quan chức năng cùng với đồng bào các dân tộc, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đưa Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam nói chung và tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói riêng.

Phạm Hương