Khám phá nét đẹp thổ cẩm của các dân tộc tại “Ngôi nhà chung”

(LVH) - Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống, qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”, là một trong những hoạt động hấp dẫn trong tháng 12 này tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Dệt thổ cẩm nghề truyền thống lâu đời của các dân tộc thiểu số Việt Nam, được hình thành, sáng tạo trong quá trình lao động, sinh hoạt, qua đôi bàn tay khéo léo, cần cù của người phụ nữ đã tạo nên những sản phẩm tinh hoa, mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Cho đến nay, thổ cẩm là một trong điểm nhấn đặc sắc, là di sản độc đáo, có giá trị tạo nên bản sắc riêng, phản ánh nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và nền văn hóa của mỗi dân tộc nói riêng và văn hóa Việt nói chung.

 

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hiện có 13 dân tộc đang hoạt động thường xuyên, gồm: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, cộng đồng các dân tộc đều lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những nét đẹp riêng của dân tộc mình.

Đến làng của đồng bào Thái, du khách có thể cảm nhận được thổ cẩm của người Thái phong phú về màu sắc, đa dạng về họa tiết, hoa văn. Trên mỗi tấm thổ cẩm các hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động, luôn có màu xanh của cây cối, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời.

Hoa văn đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ của chiếc khăn Piêu 

Hoa văn trên thổ cẩm của người Ê Đê phản ánh thế giới tự nhiên của con người thường là những họa tiết gần gũi với cuộc sống như: chim muông, hoa lá, cây cối, đồ vật như cối giã gạo, dao, kiếm,…Cảnh sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng như móc xích treo nhạc cụ, dây treo chiêng, cột nhà mồ…Tất cả đều gắn liền với ý nghĩa, niềm tin cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, núi rừng.

Nghệ nhân Ê Đê bên khung dệt vải

Đối với người Ba Na thường sử dụng các màu như đen, đỏ, vàng để dệt thổ cẩm, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng. Họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na thường trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, thiên nhiên.

Hoa văn trên trang phục của phụ nữ Ba Na

Còn thổ cẩm của người Mường mang đậm màu sắc hoa văn của núi rừng và thiên nhiên. Hoa văn trên thổ cẩm là những hình cách điệu từ hoa dẻ, hoa hồi, hạt gấc, quả trám… tuy không cầu kỳ nhưng gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người xứ Mường.

Thổ cẩm của đồng bào Mông đa dạng, màu sắc đẹp mắt

Trải qua nhiều thế hệ, đến nay phụ nữ Cơ Tu vẫn dùng loại khung dệt làm bằng tre, giữ bằng chân, dệt bằng tay - một trong những phương pháp dệt cổ xưa nhất để làm ra các sản phẩm thổ cẩm. Kỹ thuật dệt của người Cơ Tu nổi bật là dệt hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng, hoa văn hạt cườm, kỹ thuật khâu đáp. Các hoa văn hạt cườm xếp thành những họa tiết phản ánh đời sống, tín ngưỡng cộng đồng.

Phụ nữ Cơ Tu trau chuốt cho sản phẩm thổ cẩm

Không thể không đến với làng dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng nổi tiếng. Những tấm zèng có các màu chủ yếu đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím. Mỗi màu được chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên, những hoa văn trên zèng là hình tượng mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật. Những hoa văn cách điệu thể hiện cảm nhận trực quan của người phụ nữ Tà Ôi với môi trường sống. Phổ biến nhất là nhóm các hoa văn về đồ vật, như hoa văn hàng rào, cây chông.

Các bạn trẻ theo dõi nghệ nhân dân tộc Ê Đê dệt vải

Đến với mỗi làng dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách có thể hiểu thêm các khâu để tạo ra sản phẩm thổ cẩm, khám phá vẻ đẹp, cảm nhận sự khéo léo, điêu luyện, tỉ mỉ trau chuốt cho từng sản phẩm của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại đây, cũng như hiểu thêm ý nghĩa nhân sinh quan được đồng bào gửi gắm trong đó.

Hải Yến