Tọa đàm 15 năm về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư
(LVH) - Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”, được tổ chức vào chiều ngày 18/11/2013 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm tổng kết sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT-TTg ngày 19-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư”, với sự tham gia của 120 đại biểu đại diện các cơ quan, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương khu vực phía Bắc.
 |
Quang cảnh buổi Tọa đàm
|
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn nêu rõ: “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là truyền thống đạo lý của dân tộc ta đã có từ bao đời nay, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của mỗi làng, thôn, ấp, bản là điều không thể thiếu trong các chế đội xã hội, giai cấp khác nhau. Mặc dù, thôn, ấp, bản, làng không phải là một cấp chính quyền nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao… Hương ước, quy ước đang từng bước khẳng định sự tồn tại và trở thành một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn. Chủ trương khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy định về nếp sống văn minh ở các làng, thôn, ấp bản, cụm dân cư đã trở thành nền móng vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay…”.
 |
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn (đứng) phát biểu tại buổi Tọa đàm
|
Báo cáo đề dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ: Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện và được mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Các phong trào đều gắn chặt với những nội dung cụ thể trong hương ước, quy ước. Việc tự giác chấp hành hương ước ngày càng phát triển sâu rộng đạt nhiều thành tựu góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đưa đất nước ngày càng phát triển… Đại đa số các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đều thực hiện đầy đủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư và 5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Theo đó, đời sống kinh tế ở các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa ổn định và từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống; cơ sở hạ tầng sinh hoạt của gia đình và cộng đồng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chuyển biến tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn; sự nghiệp văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục được chăm lo. Môi trường cảnh quan được đảm bảo, kỷ cương, pháp luật được thực hiện; tình làng nghĩa xóm được củng cố. Đến nay cả nước đã có 71.933/118.034 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được khen thưởng ở các cấp đạt tỉ lệ 60,94%.
Tuy vậy, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị ở một số địa phương việc xây dựng và thực hiện hương ước vẫn còn những hạn chế, thiếu sót như: việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chưa đồng bộ, thống nhất; nội dung của một số hương ước còn thiếu cụ thể hoặc có những quy định vi phạm pháp luật; việc soạn thảo, thông qua hương ước chưa thực sự dân chủ; việc phê duyệt hương ước chưa đúng thẩm quyền và thiếu thống nhất về thể thức, thủ tục…
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, trong việc thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT-TTg ngày 19-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư, phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần phải tiếp tục chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa thôn, bản, hướng dẫn xây dựng quy ước ăn hóa thôn, bản; tập trung chỉ đạo hướng dẫn các xã, các thôn, bản, vùng dân tộc thiểu số chỉnh sửa, bổ sung quy ước cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Phải gắn việc xây dựng hương ước, quy ước với việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái cho biết: Toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 70 xã vùng cao, 62 xã đặc biệt khó khăn, có 2.303 làng, thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 1.346 thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, hai huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu có đến 90% đồng bào Hmông sinh sống, Yên Bái là một tỉnh nghèo nằm sâu trong nội địa, , dân trí không đồng đều, đặc biệt là đời sống kinh tế nhân dân các dân tộc còn khó khăn, nhất là đồng bào Hmông. Do đó, việc vận động xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa cần hướng dẫn việc xây dựng quy ước trong các làng, thôn, ấp, bản phải được triển khai cùng lúc để nhân dân thực hiện…
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu nhấn mạnh vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín... trong tuyên truyền vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện cũng như nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi tộc người trong việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước.
Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Hóa khẳng định: Đối với địa phương Thái Bình, trong những năm qua, Thái Bình thực hiện tốt việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trên 95% xã, thôn, xóm, cụm dân cư xây dựng được hương ước, quy ước và bà con biết vận dụng sáng tạo sao cho các nội dung không trái với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ông Hóa cũng chia sẻ cách làm của một số địa phương tại Thái Bình, đó là khi vận động bà con xây dựng và góp ý tại các buổi họp bàn, nói chuyện, cố gắng cho được sự đồng thuận nhất trí tối đa 100%, chứ không phải chỉ là lấy đa số…
 |
Đại biểu Phạm Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Bình (người ngoài cùng bên trái) phát biểu tại Tọa đàm
|
Đại biểu Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa góp ý về quy trình và nội dung, đặc biệt cần lưu ý đặc thù của từng địa phương, nếu không việc xây dựng hương ước, quy ước sẽ rơi vào tình trạng các thôn, xóm, cụm dân cư sao chép của nhau, như vậy là “hương ước của phong trào chứ không phải hương ước của lòng dân”…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nhấn mạnh: các ý kiến của các đại biểu là xác đáng, thể hiện sự nhất trí trong việc khẳng định vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống của làng, thôn, ấp bản, cụm dân cư và việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chính là góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Thứ trưởng cũng khẳng định, sẽ tiếp thu và kiến nghị với lãnh đạo Bộ VHTT&DL trong việc phối hợp với các cơ quan, Ban, Ngành liên quan tổ chức thực hiện làm sao để hương ước, quy ước ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, đặc biệt để “lệ làng bù lỗ hổng của phép vua”, hết sức tránh hành chính hóa, để hương ước, quy ước từng bước khẳng định sự tồn tại và trở thành công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn hiện nay.
Hoàng Huyền