Làng VHDL các DTVN: điểm đến tham quan ý nghĩa của du khách nhân dịp ngày 20/10

(LVH) - Hướng tới kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2014), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội là một lựa chọn điểm đến thăm quan tìm hiểu ý nghĩa cho chị em phụ nữ của nhiều cơ quan, đơn vị về văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung và những nét đẹp trong phong tục tập quán của phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Hôm nay, ngày 17/10/2014, tại không gian "Ngôi nhà chung của" 54 dân tộc Việt Nam đã thu hút hàng chục lượt với hàng trăm du khách tới tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Đó là các cán bộ, chiến sỹ nữ Cục Chính trị Hậu Cần, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an; Cán bộ, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân; cán bộ công an quận Ba Đình; Các tour thăm quan của công ty du lịch…

Du khách tham quan tại không gian làng dân tộc Ba Na

Đến với “Làng”, các đoàn đã được tìm hiểu tổng quan chung về: Lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, mục tiêu và quan điểm đầu tư xây dựng cũng như khai thác vận hành, các khu chức năng của dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại nhà Công vụ do thuyết minh viên của Ban Quản lý Khu các làng dân tộc giới thiệu.

Sau khi nghe giới thiệu tổng quan, các đoàn đã đi thăm quan và nghe giới thiệu về đặc trưng văn hóa dân tộc, kiến trúc truyền thống, những phong tục tập quán cũng như những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Ba Na, Ê Đê… Khách tham quan được cảm nhận từ góc bếp, nếp nhà, không gian truyền thống ở các làng dân tộc hình bóng, bàn tay của những người phụ nữ trong mỗi gia đình các dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ vùng văn hóa nào, dân tộc nào, các bà, các mẹ, các chị... là những người đã đóng góp công sức lớn lao để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước từ những việc nhỏ như chăm lo gia đình, tăng gia sản xuất đến cầm súng đánh giặc, bảo vệ quê hương đất nước và tạo dựng nên những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các chị em phụ nữ đến tham quan rất thích thú khi được tìm hiểu vai trò quan trọng và quyết định của phụ nữ trong gia đình người Ê Đê. 

Đến với "Làng", du khách được tham quan phòng trưng bày đá chủ quyền quần đảo Trường Sa tại Khu các làng dân tộc II để lắng nghe, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đời sống của cán bộ chiến sỹ hải quân, tình đoàn kết quân dân máu thịt. Chủ quyền biển đạo được các cán bộ, chiến sỹ hải quân trực tiếp ngày đêm bảo vệ, gìn giữ và sự đóng góp của chính chị em phụ nữ nơi đất liền với vai trò là hậu phương vững chắc.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân thăm không gian làng dân tộc Ê Đê

Tới quần thể Tháp Chăm và Chùa Khmer, 2 quần thể tâm linh độc đáo của người Chăm và Khmer, Khu các Làng dân tộc III, các đoàn đã được nghe giới thiệu quá trình xây dựng cũng như công năng sử dụng của 2 quần thể này. Các thành viên đã được tận mắt, tận tay chạm vào công trình xây dựng được phục dựng từ nguyên mẫu thực tế bởi chính bàn tay của các nghệ nhân dân tộc - chủ thể văn hóa.

Chị Đặng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Chính trị Hậu Cần, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an (hàng đầu, phía phải ảnh) cùng các chị em phụ nữ trong đơn vị tham quan không gian trưng bày đá chủ quyền quần đảo Trường Sa

Chị Đặng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Chính trị Hậu Cần, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an chia sẻ: “ Buổi thăm quan là cơ hội để chị em phụ nữ được tiếp cận với văn hóa các vùng miền của Tổ quốc, được mục sở thị những nét văn hóa truyền thống dân gian các dân tộc Việt Nam hội tụ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thông qua buổi thăm quan này, chị em phụ nữ của Cục Chính trị Hậu cần, một đơn vị có nhiệm vụ chính trị đặc thù được giao lưu với nhau, giao lưu với các đơn vị bạn tại không gian đầy sắc màu truyền thống dân tộc ở đây”.

Kết thúc buổi tham quan, các đoàn đã dâng hương tại chùa Khmer, được sư trụ trì tụng kinh chúc phúc và cùng lưu lại những bức ảnh kỷ niệm chuyến tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đào Loan