Các hoạt động vui Tết Độc lập tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

(LVH) - Trong 05 ngày vừa qua (02-06/09/2015), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào các dân tộc đã về “Ngôi nhà chung” tham gia các hoạt động chợ vùng cao phía Bắc, chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian dân tộc và đặc biệt, lần đầu tiên tái hiện một số nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo của một số đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, góp phần thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam và với việc từng bước tổ chức các hoạt động thường xuyên nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các hoạt động được tổ chức dày dặn, có hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan tới “Làng”.

Vui Tết độc lập cùng đồng bào dân tộc ngày 2/9

Ngày 2/9/2015, lần đầu tiên, đúng ngày Quốc khánh 2/9, “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tổ chức vui Tết Độc lập tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng bào các dân tộc H’mông, Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La trong trang phục chỉnh tề, đẹp nhất của dân tộc mình với các nhạc cụ dân tộc, những vật dụng độc đáo gắn với đời sống của đồng bào từ những ngôi làng của mình ở “Làng” từ sáng sớm đã nô nức cùng nhau hội tụ về chợ vùng cao giao lưu văn nghệ, biểu diễn dân ca dân vũ, trò chơi, giao lưu với du khách… Đồng bào, nhân dân, du khách cùng chúc nhau ly rượu, thưởng thức những món ăn mang đậm chất dân tộc, dân dã vùng cao và cùng nắm tay nhau hát vui kết đoàn mừng Tết Độc lập của dân tộc.

Đồng bào nô nức xuống chợ vùng cao mừng Tết Độc lập

Trong ngày đầu tiên khai mạc, các hoạt động tại chợ vùng cao phía Bắc nhộn nhịp với khoảng 30 gian hàng giới thiệu, bày bán các sản vật đặc trưng địa phương của đồng bào vùng cao như: thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến dong, rau, củ, quả tươi, chế tác đồ trang sức dân tộc,… Cùng với đó là các gian hàng ẩm thực, giới thiệu và bán các món ăn dân tộc như: thắng cố, mèn mén, thịt dê, xôi nếp ba màu, thịt khô treo gác bếp... Các hoạt động chợ diễn ra liên tục, thông suốt trong 05 ngày (từ 02 - 06/9/2015) và đã đón một lượng lớn du khách tham quan, đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu của du khách tham quan về đời sống sinh hoạt, các nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực, nghề truyền thống, dân ca, dân vũ, trò chơi… của cộng đồng các dân tộc phía Bắc tại “Ngôi nhà chung”.
Cũng trong ngày 2/9, từ sáng sớm, đồng bào dân tộc H’mông đã tổ chức các nghi thức cúng Tết Độc lập tại làng dân tộc H’mông, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đối với đồng bào H’mông, Tết Độc lập của người H’mông ở Lai Châu là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Theo thông lệ, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cứ đến 1-2/9 hàng năm, đồng bào H’mông lại náo nức đón Tết Độc lập. Năm nay, đồng bào dân tộc H’mông với các nghệ nhân đến từ tỉnh Lai Châu đã tổ chức đón Tết Độc lập cùng với đồng bào các dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng bào H’mông tổ chức cúng lễ Tết Độc lập khấn mời ma nhà, tổ tiên về "ăn" Tết Độc lập với đồng bào mang ý nghĩa cầu ma nhà, tổ tiên phù hộ cho ngôi nhà được vững chãi, con cháu có sức khỏe, học giỏi, đời sống bà con dân bản ấm no, hạnh phú đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau.

Chủ lễ cùng đồng bào H'mông thực hiện nghi thức báo cáo tổ tiên về việc tổ chức Tết Độc lập

Cộng đồng các dân tộc vào Lăng viếng Bác

Không chỉ tham gia các hoạt động tại “Làng”, hòa chung không khí cả nước vui Tết Độc lập, hướng về vị lãnh tụ kính yêu trong trái tim của đồng bào - Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng các dân tộc H’mông, Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La đã vào Lăng viếng Bác ngày 03/9/2015, thăm nơi ở và làm việc của Người: khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhà sàn, ao cá… và chụp hình lưu niệm tại nơi đây.

Đồng bào chụp hình lưu niệm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hưởng ứng Tết Độc lập, đồng bào các dân tộc tổ chức tái hiện các nghi lễ, lễ hội độc đáo của dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung”

Chiều ngày 03/9/2015, tại không gian nhà dân tộc Mảng, Khu các làng dân tộc I, Lễ vào nhà mới của dân tộc Mảng được tái hiện chân thực, đầy đủ theo nghi thức vào nhà mới của đồng bào Mảng đến xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Khi về “Làng”, về ngôi nhà mới của mình, theo quan niệm của người Mảng, cuộc đời con người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình, cho nên nhà dù lớn hay nhỏ thì việc dựng nhà là rất quan trọng, khi dựng xong, vào buổi sáng tốt ngày đã chọn, gia đình phải làm các thủ tục, nghi lễ vào nhà mới. Trong nghi thức ấy, ông chủ nhà cùng với bà vợ, các con sẽ lần lượt tiến hành các nghi thức cúng, xua đuổi tà ma, cầu khấn ma nhà là tổ tiên, ông bà đã khuất phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, đông con nhiều cháu và phù hộ cho con cháu những điều may mắn tốt lành. Bữa cỗ trong Lễ vào nhà mới của người Mảng đông chật nhà, bởi ngoài gia đình gia chủ còn có du khách tham quan, cùng uống rượu chúc mừng gia chủ và tham gia nhảy múa, hát những bài hát mừng nhà mới, những bài dân ca sinh hoạt, lao động sản xuất.

Ông chủ nhà khấn mời tổ tiên, ông bà về chứng giám và phù hộ cho con cháu vào nhà mới được vạn sự tốt lành

Sáng 04/9/2015, tại không gian nhà dân tộc La Hủ, Khu các làng dân tộc I, Lễ cúng bản đã được đồng bào dân tộc La Hủ đến từ bản Huổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tái hiện tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với ý nghĩa xua đuổi tà ma xấu không đến quấy nhiễu, mong cho đời sống của mọi người dân trong bản được yên ổn, no đủ. Địa điểm chọn là khoảng đất rộng đầu làng, thầy cúng và dân bản lo chuẩn bị lễ và tiến hành cúng bản. Sau khi cúng xong, về bản, mọi người cùng nhau nhảy múa, vui hát, mừng bản sẽ ổn định, phát triển.

Thầy cúng và dân làng La Hủ làm Lễ cúng bản

Sáng 5/9/2015, tại không gian làng dân tộc Hà Nhì, Khu các làng dân tộc I, đồng bào Hà Nhì đến từ xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tái hiện Lễ cúng Giế Khừ Già, hay còn gọi là lễ cúng cây đu trong Tết mùa mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình và bản làng ấm no, một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của người Hà Nhì. Lễ cúng thể hiện mong muốn kính dâng lên các thần linh trên trời dưới đất, linh hồn của tổ tiên người Hà Nhì phù hộ cho con cháu người Hà Nhì trồng ngô, ngô có hạt, trồng lúa lúa có bông, bông to, hạt mẩy, trâu bò lợn gà biết sinh sôi, nảy nở, bà con trong bản khỏe mạnh để năm sau con cháu lại cúng Tết mùa mưa năm sau to hơn năm trước. 

Thầy cúng vừa khấn vừa đu

Lễ cưới của đồng bào Si La

Sáng ngày 6/9/2015, tại không gian nhà Si La, Khu các làng dân tộc I, đồng bào Si La đã tổ chức tái hiện Lễ cưới của người Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Lễ cưới được tái hiện trong không khí vui tươi, rộn ràng, nhà trai tới dạm ngõ nhà gái rồi sau đó đưa cô dâu đi tạm biệt họ hàng rồi vào rừng làm lễ nhập họ nhà trai. Từ rừng trở về, đoàn đưa cô dâu tới nhà trai và mọi nghi thức hôn lễ được tổ chức tại nhà trai, có sự chứng giám của người thân họ hàng và được thầy cúng làm lễ báo cáo tổ tiên. Trong các nghi lễ truyền thống của người Si La, lễ cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong tập tục chu kỳ đời người được lưu truyền đến ngày nay.

Nghi lễ mẹ chú rể trao vòng tay vòng cổ cho cô dâu trong Lễ cưới

Các hoạt động chợ vùng cao và chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc

Liên tục trong 5 ngày (2-6/9/2015), cộng đồng các dân tộc H’mông, Hà Nhì, La Hủ, Mảng, Si La đã tham gia các gia hàng tại chợ, bày bán sản vật địa phương, đồng thời tổ chức các chương trình dân ca, dân vũ, giới thiệu và biểu diễn một số trò chơi dân tộc và giao lưu với du khách như: tù lu (đánh quay), đánh yến, đánh pao, đẩy gậy, đánh đu, kéo co... tại khu vực sân trước Chợ vùng cao phía Bắc. Các hoạt động luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan đến với Chợ vùng cao.

Mặc dù trời nắng, nhưng không gian chợ vùng cao luôn đón 1 lượng khách lớn mỗi ngày

Đồng bào cùng du khách vui văn nghệ

Hào hứng và vui say trong điệu nhảy vòng xòe

Vui biểu diễn văn nghệ

Đồng bào và du khách cùng chơi kéo co

Nụ cười kéo co

Trò chơi đánh cầu lông gà và cù của đồng bào Hà Nhì

Hoàng Huyền (tổng hợp)