“Ngôi nhà chung” nơi gắn kết Trường Sa với đất liền

(LVH) - Sáng 24/3, chương trình giao lưu “Biển đảo quê hương từ đất liền yêu thương” đã được tổ chức tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, sơn Tây, Hà Nội).

Tham gia buổi giao lưu có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, Đoàn khối các cơ quan Trung ương, Ban Quản lý làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng sự góp mặt của các cán bộ, chiến sĩ đã công tác tại quần đảo Trường Sa; các nhà báo, nghệ sĩ đã đến Trường Sa và đặc biệt là sự hiện diện của những người mẹ, người vợ - hậu phương của các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa; cộng đồng các dân tộc và đoàn viên thanh niên Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đại biểu tham quan không gian triển lãm Trường Sa

Tiếp nối thành công của các hoạt động “Thanh niên với tình yêu biển đảo quê hương” năm 2017, “Mãi mãi tình yêu biển đảo” năm 2018, năm nay trong chuỗi các hoạt động tháng 3 “Như hoa mùa xuân”, thiết thực chào mừng 88 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/1931 - 26/3/2019 tại “Ngôi nhà chung”, chương trình “Biển đảo quê hương từ đất liền yêu thương” được tổ chức là việc làm thiết thực, là trách nhiệm, tình cảm của đất liền hướng về biển đảo quê hương.

Không gian buổi giao lưu

Tại chương trình, các cán bộ, chiến sĩ đã công tác tại quần đảo Trường Sa bồi hồi kể lại những kỉ niệm không thể nào quên về Trường Sa ngày mới ra làm nhiệm vụ, hay những câu chuyện tác nghiệp nơi đảo xa của các nhà báo, nghệ sĩ. Những câu chuyện rất đỗi bình dị nhưng vô cùng xúc động. Bên cạnh đó là những chia sẻ, những lời tâm sự rất chân tình của những người mẹ, người vợ về những hy sinh thầm lặng trở thành hậu phương vững chắc của các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa đã mang đến cho chương trình nhiều cung bậc cảm xúc.

Các cán bộ, nhà báo, chiến sĩ và người thân chia sẻ những câu chuyện về những chiến sĩ Trường Sa

Trong 6 năm qua, những phiến đá cột mốc chủ quyền biểu tượng thiêng liêng chủ quyền biển đảo, minh chứng khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được lưu giữ và trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam -  “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em, đúng như tên gọi “Biển đảo trong lòng đồng bào”. Đồng thời thể hiện "Ngôi nhà chung" là nơi gắn kết, kết nối Trường Sa với đất liền.

Buổi giao lưu là dịp để cho mỗi chúng ta đặc biệt là thế hệ trẻ thấu hiểu hơn về những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương và để trân trọng hơn, sống có trách nhiệm hơn những hi sinh cống hiến đó.

Một số hình ảnh tại chương trình giao lưu:

 

Những tình cảm của đất liền giành cho Trường Sa 

 

 

 

 

 

 

Hải Yến