Tổ chức các hoạt động tháng 8 “Văn hóa cộng đồng - Trải nghiệm và kết nối”
(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 8 được tổ chức từ ngày 01 - 31/8/2020 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, đề cao vai trò trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống góp phần thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và truyền thống ngành Văn hóa thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đảm bảo chuyển trạng thái hoạt động “bình thường mới” thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa hoạt động thu hút khách du lịch, hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Hoạt động tháng 8 với sự tham gia của hơn100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Bên cạnh đó, huy động thêm khoảng 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Kinh (nghệ nhân Gốm Phù Lãng và trình diễn di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh) ngày 15,16/8/2020. Huy động khoảng 20 - 25 nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát Tuồng Việt Nam và nhà hát múa Rối Việt Nam tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào các ngày 08,09; 23,24/8/2020.
Chương trình tháng 8 với các hoạt động như:
Chương trình điểm nhấn các hoạt động “Văn hóa cộng đồng - Trải nghiệm và kết nối”
* Tiếp tục Chương trình “Tuổi thơ của chúng em
- Đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại làng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc: Ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng dân tộc Cơ Tu…Đi cà kheo, đánh quay, kéo co..
- Tổ chức trưng bày giới thiệu các hoạt động trẻ thơ tại Làng với hình ảnh của các hoạt động ấn tượng mùa hè năm 2016, 2017, 2018, 2019: Cuộc thi viết chữ đẹp “Nét đẹp, nết người”; Cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em”; Cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn” và một số trò chơi dân gian của trẻ em như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền…
- Tổ chức không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách.
- Tiếp tục phát huy về phong trào “chống rác thải nhựa” từ cảm hứng các tác phẩm được giải năm 2019 và lan tỏa phong trào năm 2020 cùng nhau giữ gìn môi trường xanh tại “ngôi nhà chung”, đẩy mạnh phong trào “Làng bản văn hóa xanh - sạch - đẹp”
- Trình diễn, giới thiệu nhạc cụ truyền thống, được trải nghiệm.
Các hoạt động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”: Xây dựng các gói sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID - 19 hướng đến các đối tượng khách nhóm gia đình dịp cuối tuần, hội nhóm, đoàn thể tiếp đến là nhóm học sinh, sinh viên…đồng thời tăng cường chủ động liên kết với các công ty lữ hành, trường học thường xuyên đưa khách tới Làng.
Các hoạt động “Văn hóa cộng đồng - Trải nghiệm và kết nối”
Nhóm hoạt động chuyên đề “Giai điệu từ đất”
* Trình diễn giới thiệu hành trình của Gốm với làng nghề gốm Phù Lãng tỉnh Bắc Ninh: Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những tấm áo tứ thân gắn với hình ảnh liền anh liền chị trong những làn điệu quan họ tha thiết, ngọt ngào còn được khám phá và chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo của làng gốm Phù Lãng. Làng gốm Phù Lãng ra đời cách đây hơn 700 năm, nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa…khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp được với thị hiếu của thị trường, người làng Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề đó chính là việc phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Gốm Phù Lãng tập trung vào ba loại hình: Gốm dùng trong tín ngưỡng như: lư hương, đài thờ, đỉnh.. Gốm gia dụng: lọ, bình, chum, vại, ống điếu... Gốm trang trí: bình, ấm hình thú, chậu hoa…Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc.
- Giới thiệu các qui trình làm gốm của các nghệ nhân trình diễn gốm từ khâu chọn đất, làm đất, nặn vẽ trang trí hoạ tiết, hoa văn… và các sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng. Du khách được tìm hiểu, trải nghiệm cùng nghệ nhân làm gốm…
*Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Dân ca Quan họ Bắc Ninh “Rạng rỡ miền Kinh Bắc”
- Dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu trong kho tàng dân ca Việt Nam phát triển đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức diễn xướng. Xuất phát từ sinh hoạt giao duyên, hát đối đáp nam nữ xa xưa mà hầu hết các cộng đồng dân tộc Việt Nam đều có, quan họ từ một loại hình dân ca dân gian đặc trưng cho vùng Kinh Bắc với một nền lịch sử lâu đời đã trở thành một hiện tượng văn hóa sống động tồn tại trong cuộc sống của người Kinh Bắc. Năm 2009 cùng với việc Hội nghị Liên minh chính phủ UNESCO công nhận Dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào ngày 30/9/2009 có thể nói đây là sự ghi đậm dấu ấn văn hiến với những giá trị đã được cả thế giới công nhận, di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch quan họ sẽ góp phần hình thành xu hướng tìm hiểu văn hóa quan họ trong tương quan lịch sử truyền thống phong tục tập quán của ông cha và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
- Giới thiệu trình diễn di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh tới du khách tham quan và trải nghiệm.
Nhóm hoạt động của đồng bào các dân tộc “Văn hóa cộng đồng - Kết nối và trải nghiệm”
* Ngày hội của đồng bào các dân tộc với hoạt động trải nghiệm
Các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày cùng nhau tái hiện những nét văn hóa của cộng đồng dân tộc mình theo cụm vùng miền thế mạnh với những nét trải nghiệm văn hóa riêng.
- Cụm các làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao: Các cộng đồng dân tộc cùng nhau tái hiện nét văn hóa dân tộc mình theo thế mạnh của các cộng đồng như trải nghiệm ẩm thực làm các loại bánh truyền thống, trải nghiệm nghề đặc sắc với chế tác đàn Tính, đan lát truyền thống, nghề thuốc nam và trải nghiệm quy trình nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc Mông để cảm nhận cuộc sống của đồng bào theo vùng miền, địa phương, dân tộc.
- Cụm các làng dân tộc Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Thái: Các cộng đồng tái hiện nét văn hóa của cộng đồng mình mang tính tương tác hỗ trợ nhau của những dân tộc gần nhau và có những nét văn hóa tương đồng như người anh em dân tộc Khơ Mú và Ơ Đu cùng đến từ huyện Tương Dương; các dân tộc Mường, Thái với các hoạt động trải nghiệm gắn liền với việc giới thiệu những món ăn truyền thống của cộng đồng cùng nhau chế biến các món ăn truyền thống như xôi màu, thịt nướng, cùng nhau hái chè, làm vườn và cùng trải nghiệm các trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào.
- Cụm các làng dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng: Các hoạt động diễn xướng dân gian và nghề dệt thru công truyền thống với những trải nghiệm về âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên và âm nhạc tre nứa cùng với dệt Zèng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế hay nét độc đáo trong nghệ thuật dệt của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai.
- Cụm các làng dân tộc GiaRai, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê: Gắn với không gian văn hóa với những mái nhà rông, nhà dài, nhà sàn, giọt nước Tây Nguyên là âm vang của cồng chiêng Tây Nguyên nơi có những người con đồng bào dân tộc Gia Rai hàng ngày đang thực hành và giới thiệu di sản, có vũ điệu dâng trời mang cốt cách tâm hồn của người dân miền Tây A Lưới, từ ngôi nhà dài chế độ mẫu hệ, có cà phê có những nét độc đáo của âm nhạc Tây Nguyên quyện hòa vào nhau, trải nghiệm nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc RagLai tỉnh Ninh Thuận.
Hoạt động cuối tuần
* Chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng “Trải nghiệm nghệ thuật truyền thống Tuồng”
- Diễn các tích Tuồng ca ngợi quê hương đất nước, biểu diễn loại hình hát Văn một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
* Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Rối cạn “Sắc màu em yêu” của Nhà hát Múa rối Việt Nam
- Giới thiệu loại hình múa Rối cạn với nhiều hình thức biểu đạt của những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ biểu diễn kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối được cách điệu và nhấn mạnh một cách cô đọng, chất hồn nhiên, ngây thơ để mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau nhưng cùng đạt được một hiệu quả thưởng thức: Vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng dành tặng cho các bạn nhỏ.
* Các hoạt động của đồng bào các dân tộc hoạt động tại Làng theo chủ đề “Văn hóa cộng đồng - Trải nghiệm và kết nối”
- Đề cao các hoạt động trải nghiệm kết nối giữa các nhóm đồng bào và du khách, các nhóm phát huy thế mạnh của mình theo cụm đồng bào gần nhau theo hướng tương hỗ.
- Tăng cường các hoạt động của các nhóm đồng bào hoạt động hàng ngày tập trung theo hướng thực hiện theo các gói chương trình du lịch đặc thù hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”
- Các làng tăng cường các hoạt động trải nghiệm để giới thiệu tới du khách; Tăng cường màu xanh của bản làng, buôn sóc và sắp xếp không gian thoáng mát tạo cảm giác dễ chịu cho du khách.
- Điểm nhấn của các dân tộc với các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Thổi Đinh Năm hát ay ray, đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên, âm hưởng của cồng chiêng Tây Nguyên tại Làng…
- Tăng cường hoạt động giới thiệu, truyền dạy về nhạc cụ truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc.
- Đẩy mạnh phong trào “Làng bản xanh - sạch - đẹp” tại mỗi bản làng của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày
- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...
- Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu...
- Chương trình du lịch Homestay để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, Tày, Thái tại không gian Khu các làng dân tộc.
Hoạt động hàng ngày
+ Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
+ Tạo không gian, nội dung hoạt động gắn liền với những trải nghiệm mùa hè cũng như trưng bày giới thiệu những hình ảnh về gia đình tại mỗi làng dân tộc.
+ Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc.
+ Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…
+ Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm.
+ Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Chương trình tổng thể
Thời gian
|
Nội dung hoạt động
|
Địa điểm
|
Ngày 08,09/8/2020 (thứ Bảy, Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h30
-
15h00 - 16h30
|
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng “Trải nghiệm nghệ thuật truyền thống Tuồng” của diễn viên, nghệ sĩ nhà hát Tuồng Việt Nam
|
Sân lễ hội làng dân tộc III, khu các làng dân tộc III
|
Từ ngày 01-31/8/2020
điểm nhấn cuối tuần 01,02; 08,09; 15,16; 22,23; 29,30/8/2020 (thứ Bảy, Chủ Nhật)
|
Cả ngày
|
Các hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống, nhạc cụ dân tộc, các hoạt động về môi trường sinh thái, chống rác thải nhựa.
|
Không gian nhà Triển lãm làng II
|
Các hoạt động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với gói kích cầu du lịch “Làng - Điểm đến an toàn, xanh và sạch”; các chương trình quảng bá kích cầu du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
Khu các làng dân tộc
|
Ngày 15,16/8/2020 (thứ Bảy, Chủ Nhật)
CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐIỂM NHẤN
“Văn hóa cộng đồng - Trải nghiệm và kêt nối”
|
08h30 - 10h30
14h30 - 16h30
|
Giới thiệu hành trình của Gốm với làng nghề Gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
|
Không gian sân nhà dịch vụ làng IV
|
09h00 - 10h00
15h00 - 16h00
|
Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Dân ca quan họ Bắc Ninh “Rạng rỡ miền Kinh Bắc”
|
Không gian sân nhà dịch vụ làng IV
|
Cả ngày
|
Ngày hội của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “ngôi nhà chung” với hoạt động trải nghiệm kết nối (điểm nhấn tại không gian làng dân tộc Mường và làng dân tộc Ê Đê)
|
Tại không gian các làng dân tộc đang hoạt động tại Làng
|
Ngày 22,23/8/2020 (thứ Bảy, Chủ Nhật)
|
09h00 - 10h15
14h30 -15h45
|
Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Rối cạn “Sắc màu em yêu” của diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát múa Rối Việt Nam
|
Sân lễ hội làng dân tộc III, khu các làng dân tộc III
|
Hoạt động của các cộng đồng dân tộc hàng ngày tại Làng
|
Từ 01/8/2020 đến 31/8/2020
|
Hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của các làng dân tộc với qui mô phù hợp thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chóng dịch COVID - 19 trong tình hình mới.
|
Tại không gian các làng dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Thái, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer.
|
Dịp cuối tuần (01,02; 08,09; 15,16; 22,23; 29,30/8/2020)
(các thứ Bảy,
Chủ Nhật).
|
- Trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào cùng với các chủ thể văn hóa tại Làng.
- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc
- Chương trình dân ca, dân vũ
- Các trò chơi dân gian
- Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công...
- Chương trình du lịch Homestay với tên gọi “Một ngày bản buôn” để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, Tày tại không gian Khu các làng dân tộc.
“Các hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID - 19 theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID – 19 trong tình hình mới)
|
Tại không gian các làng dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Thái, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer.
|
Phạm Hương