Tổ chức các hoạt động tháng 11 “Đại đoàn kết - Tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam”
(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 11 được tổ chức từ ngày 01 - 30/11/2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer và dự kiến các dân tộc về hoạt động hàng ngày (Chăm Islam, Raglai, Chăm Bà la môn), góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc và thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại “Ngôi nhà chung”.
Hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giao Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Sở Du lịch thành phố Hà Nội (phối hợp trực tiếp tổ chức sự kiện); Phối hợp với các Sở VH,TT&DL các tỉnh Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Giang, Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Phước, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhà hát Chèo Việt Nam và các nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tổ chức thực hiện.
Chương trình tháng 11 “Đại đoàn kết - Tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam” với nhiều hoạt động như:
* Hoạt động cuối tuần
Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của nghệ sĩ, diễn viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ (các ca khúc về các dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước, các ca khúc hiện đại) của các nghệ sĩ, diễn viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn: Trình diễn các tiết mục hát văn, trích đoạn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam biểu diễn.
Hoạt động của đồng bào dân tộc X’tiêng tham gia Ngày hội văn hoá Tây Nguyên
- Tổ chức chương trình dân ca dân vũ “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ (các ca khúc về các dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của con người và mảnh đất Bình Phước. Nơi ấy là sóc Bom Bo của những người X'tiêng một lòng theo cách mạng. Vùng đất đẹp như một huyền thoại núi rừng) của các nghệ nhân đồng bào dân tộc X’tiêng biểu diễn. Bên cạnh đó, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như các sản phẩm chế biến từ hạt điều, gạo, các đồ nông sản khô, đan lát, thủ công mỹ nghệ...
- Giới thiệu Lễ hội ẩm thực dân tộc X’tiêng: Cuộc sống của đồng bào X’tiêng ở Bình Phước gắn bó với núi rừng, nương rẫy nên có những nét văn hóa ẩm thực độc đáo, giàu bản sắc. Trong những món ăn, thức uống “đậm chất núi rừng” nhưng không kém phần “cầu kỳ” ấy không thể không nhắc đến rượu cần, canh thụt, đọt mây nướng và cơm lam… Lễ hội ẩm thực của dân tộc X’tiêng đưa quí vị tới một không gian thưởng thức ẩm thực rất riêng và độc đáo. Tái hiện không gian giã gạo trên Sóc Bom Bo tại làng X’tiêng. Và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố…
Hoạt động của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng
- Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao (Dao quần chẹt); hát Ay ray và diễn tấu Đinh năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa ra van của dân tộc Khmer.
- Các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, chơi bập bênh, đánh yến, đánh đu…
- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ớp đồ, rau đồ, cá nướng, gà nấu mọ..; Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu... của các nghệ nhân dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer...
* Phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 18 - 23/11/2017.
- Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Khai mạc, Giao lưu văn nghệ, Giải kéo co)
- Đến với văn hóa, du lịch Cần Thơ (Tái hiện chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, giới thiệu sản vật, ẩm thực, xúc tiến du lịch Cần Thơ, trình diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)
- Ngày hội giao lưu các dân tộc tại Làng (Ngày hội các dân tộc Tây Nam bộ, Ngày hội các dân tộc Tây Nguyên, Ngày hội các dân tộc Tây Bắc)
- Hội thảo - Tọa đàm (Phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới)
- Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng cùng dân tộc (Lễ hô thần nhập tượng, lễ rước tượng Pháp Vân tại chùa Pháp Ấn)
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương