Tổ chức các hoạt động tháng 11 “Bài ca kết đoàn”

(LVH) - Là chủ đề hoạt động tháng 11 được tổ chức từ ngày 01 - 30/11/2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc anh em, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần phong phú các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2018.

Chương trình tháng 11 “Bài ca kết đoàn” với nhiều hoạt động như:

* Hoạt động cuối tuần

- Chương trình văn nghệ “Tình ca từ đá” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc tại Làng dân tộc Mông, khu các làng dân tộc I từ 9h00 - 10h30 và 14h30 - 16h00, ngày 03,04/11/2018 (Thứ Bảy, Chủ Nhật).
Trình diễn ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại hướng tới chủ đề tình anh em trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hướng về chủ đề “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Các tiết mục dân ca dân, dân vũ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

- Chương trình “Ấn tượng nghệ thuật Tuồng truyền thống” của nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Sân khấu lễ hội làng dân tộc III từ 10h00 - 11h00 và 14h30 - 16h00, ngày 10,11/11/2018 (Thứ Bảy, Chủ Nhật). Trình diễn các trích đoạn, tiết mục tiêu biểu, nổi tiếng đã được biểu diễn cả trong và ngoài nước như: vở tuồng Hồ Nguyệt hóa cáo, múa lân, nhã nhạc cung đình Huế - loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Tái hiện Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tại Làng dân tộc Mường, Khu các làng dân tộc I từ 09h00 - 10h00, ngày 10/11/2018 (Thứ Bảy).
Lễ cúng cơm mới hay còn gọi là “đoóng côốp” là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Lễ mừng cơm mới được người Mường coi trọng và gìn giữ từ này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn và thắt chặt thêm tình đoàn kết bản làng hướng về một cuộc sống đủ đầy.

- Lễ dâng Y Kathina tại Quần thể chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III từ 08h30 - 10h3, ngày 11/11/2018 (Chủ Nhật).
Đây là một trong những lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiểu thừa). Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, đại lễ dâng y kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia, đồng thời đại lễ dâng y cũng còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả hàng phật tử xuất gia và tại gia, luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn tín.

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hương sắc Tây Bắc” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc tại Khu vực cánh đồng hoa Tam giác mạch, Khu các làng dân tộc I từ 09h00 - 10h30 và 14h30 - 16h00, ngày 24,25/11/2018 (Thứ Bảy, Chủ Nhật).
Trình diễn các ca khúc ca ngợi về văn hóa, con người, mảnh đất Tây Bắc và giới thiệu đến du khách không gian văn hóa, du lịch gắn với cảnh sắc hoa Tam giác mạch tại Làng

* Hoạt động của cộng đồng dân tộc đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng

- Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao (Dao quần chẹt); hát Ay ray và diễn tấu Đinh năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa ra van của dân tộc Khmer.

- Các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, chơi bập bênh, đánh yến, đánh đu…\

- Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ớp đồ, rau đồ, cá nướng, gà nấu mọ..; Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu... của các nghệ nhân dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer...

* Phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 18 - 23/11/2018

- Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.Đây là “Điểm nhấn” của chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, kết hợp Khai mạc sự kiện.

- Sắc màu di sản văn hóa tại “Ngôi nhà chung”: Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên, Giới thiệu một số nét văn hóa của dân tộc Sán Dìu: Các hoạt động diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian.

- Ngày hội giao lưu các dân tộc tại Làng (Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc)

- Triển lãm sinh vật cảnh Việt Nam (Hoạt động hưởng ứng)

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 14 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương