Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại loài hoa Tam giác mạch” 

(LVH) - Trong 2 ngày 30/11 - 01/12, tại cụm thung lũng hoa Tam giác mạch, đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Huyền thoại loài hoa Tam giác mạch” do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc biểu diễn. Đây là một trong chuỗi hoạt động tháng 12 với chủ đề "Sắc hoa" được tổ chức tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Đến với "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong dịp này, du khách không chỉ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ với các bài hát, điệu múa ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, con người Tây Bắc; giới thiệu sản vật vùng Tây Bắc, khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc... mà du khách còn được hòa mình vào không gian tràn ngập sắc hoa tím hồng, mang vẻ đẹp dân dã được trồng trải dài tại cụm thung lũng, thấp thoáng sau những nếp nhà sàn, e ấp uốn mình sau những khúc đường vòng cung, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng, hấp dẫn về loài “hoa của đá”. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã có hai mùa hoa Tam giác mạch đặc sản riêng của vùng đất cực Bắc để tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng núi non và lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa đồng bào các dân tộc tại "Ngôi nhà chung".

Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người lấy hạt về ăn. Khi hạt ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì để có thể làm no cái bụng. Một hôm thoảng bay trong gió mùi hương là lạ từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi và ai nấy đều ngỡ ngàng một rùng hoa li ti trải dài từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy có những lá hình tam giác ẩn nấp khá kín đáo ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo.Cái bụng đã yên không lóc cóc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô nên gọi là mạch, lá có hình tam giác và thế là có tên Tam giác mạch.

Loài hoa Tam Giác Mạch mang trong mình một sự tích huyền thoại, tô điểm một sắc hồng ấm áp, như mời gọi du khách tới chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp đến say đắm lòng người. Tam giác mạch là loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém. Rừng hoa nhỏ bé với những cái lá xanh non này khi tạo quả đã cứu đói cho cả làng khi mùa cũ đã qua, vụ mới còn chưa tới. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là cái tên “Tam Giác Mạch” ra đời. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt Tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân cây Tam Giác Mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Khi thu hoạch có thể xay Tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt.

Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Chợ tình Khau Vai trên rẻo cao nơi địa đầu Hà Giang. Chuyện kể về mối tình huyền thoại của chàng Ba và nàng Út. Chàng người dân tộc Nùng nghèo khó, đem lòng yêu nàng Út - con gái của Tộc trưởng người Giáy. Lệ xưa định rằng: trai gái yêu nhau mà không cùng chung sắc tộc, lại phân biệt sang - hèn thì không được phép lấy nhau. Ngày nọ nhờ phép lạ, chàng Ba đã cứu mạng nàng Út trong một lần bị kẻ có thâm thù với Tộc trưởng truy sát ở hội xuân. Kẻ gây hại bị bắt giam, còn nàng Út từ đó đã đem lòng yêu thương chàng trai cứu mạng mình.
“Tìm kí ức nơi em
Hiện hữu trong đá núi
Đường Hạnh phúc ghập ghềnh
Hoa sương mây trắng núi
Sắc trắng hồng đang trôi”

Màu hoa ấy đang hiện hữu nơi đây nối tiếp câu chuyện huyền thoại của những sắc màu nối tiếp câu chuyện của chàng Ba, nàng Út. Tiếc rằng, Tộc trưởng người Giáy vì gìn giữ tục lệ ngàn đời mà nhất quyết chia cắt đôi uyên ương. Cũng chính vì hủ tục ấy mà khi xưa, để làm tròn chức phận, Tộc trưởng cũng đã phải đoạn tuyệt với mối tình thời trai trẻ cùng cô gái người Nùng. Oan trái thay, chàng Ba chính là con trai của người mà ông yêu thương ngày đó. Chàng Ba và nàng Út quyết định bỏ trốn. Họ dắt nhau lên đỉnh Khau Vai sống những ngày hạnh phúc. Ở dưới bản, hai tộc Giáy – Nùng đã nổ ra cuộc tương tàn, chàng và nàng đành gác tình riêng, chia tay nhau để trở về hóa giải hận thù cho hai tộc. Trước lúc chia tay, họ hẹn nhau ngày này năm sau (nhằm ngày 27/3 âm lịch), sẽ trở lại đỉnh Khau Vai để tìm nhau cùng lời thề độc rằng nếu một trong hai không thể tìm đến bên nhau, thì cái chết đớn đau sẽ âm dương chia cắt. Oan trái trùng trùng, một năm trôi qua, chàng Ba đã có vợ và sắp có con, nàng Út thì lấy phải kẻ đã bầy mưu giết cha mình rồi kế ngôi Tộc trưởng. Nhớ lời hẹn xưa, hai người đã trở lại đỉnh Khau Vai. Chàng Ba đến chậm vì đúng lúc đứa con chào đời. Nàng Út vì không muốn vướng bận cho người yêu, nên đã quyên sinh. Nàng chết trên tay chàng vừa đến kịp. Kể từ đó, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, đỉnh Khau Vai trở thành nơi hò hẹn của các đôi lứa tha thiết yêu nhau mà không lấy được nhau. Câu chuyện đọng lại niềm day dứt và tiếc nuối. Khi mà hủ tục chồng lên hủ tục, oan trái trùng trùng, chính tình yêu là ánh sáng nhiệm mầu giúp con người vượt lên trên mọi nghiệt ngã, chông gai.

Tháng "Sắc hoa" sẽ kéo dài hết ngày 31/12/2019, đây là cơ hội quý báu cho những du khách chưa có dịp được đến vùng núi cao Hà Giang không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê đắm của núi đồi bạt ngàn đồng loạt ngả màu hồng phấn của loài hoa Tam giác mạch, mà bên cạnh đó du khách còn được thưởng lãm vẻ đẹp rực rỡ của những bông Dã quỳ nơi núi rừng Tây Nguyên đại ngàn, được giao lưu, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, mang đến cho du khách những cảm nhận về đất và người nơi đây, qua đó cùng chung tay góp phần gìn giữ các giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh chương trình “Huyền thoại loài hoa Tam giác mạch”:

Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Huyền thoại loài hoa Tam giác mạch”

Đồng bào các dân tộc tại thung lũng hoa Tam giác mạch

Du khách lưu giữ kỷ niệm với loài hoa Tam giác mạch khi đến thăm "Làng" 

Đồng bào các dân tộc tại cụm hoa Dã quỳ

Phạm Hương