Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”
(LVH) - Chiều 18/11, trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), BQL Làng VHDL các DTVN phối hợp với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Quang cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng VHDL các DTVN, Phó Trưởng ban Thường trực; Ông Hồng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cùng các đại biểu của Ban dân tộc, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa; Cục Báo chí; Vụ Báo chí - Xuất bản. Đặc biệt, sự tham dự của đại diện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQVN; Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng VHDL các DTVN;
Ông Hồng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ đồng chủ trì Tọa đàm
Phát biểu Khai mạc Tọa đàm Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa hết sức mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay, chung sức của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông”. Đồng thời bà khẳng định: “Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền đậm nét vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, qua việc đăng tải nhiều tin bài, sự kiện, bình luận, giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa thế giới, phản ánh chân thực những phong tục, tập quán, lễ hội, nét đẹp truyền thống… của mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Đồng thời, báo chí cũng có tiếng nói phản biện kịp thời về các chính sách di sản văn hóa, những hạn chế, bất cập trong quản lý di sản”.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu Khai mạc Tọa đàm
Thông qua Tọa đàm, Ban Tổ chức mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học nhận diện thực chất hơn về hiệu quả, thực trạng của công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Qua đó, góp phần để các nhà báo nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin tới công chúng; tăng cường phối hợp truyền thông giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý di sản văn hóa.

Ông Trịnh Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tham luận
Với tinh thần đó, trong suốt thời gian diễn ra Tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu, các nhà báo và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa về các giải pháp bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển, cụ thể như: Đánh giá vai trò, thực trạng và hiệu quả của truyền thông với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian. Nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sự phối hợp truyền thông giữa các cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa, các cơ quan, đơn vị quản lý di sản văn hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đề xuất các giải pháp để công tác truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đạt kết quả quan trọng.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa phát biểu tham luận

Bà Lê Lệ Huyền, Phụ trách Tạp chí Làng Việt phát biểu tham luận
Đăc biệt, trong buổi Tọa đàm, ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng VHDL các DTVN đã chia sẻ những khó khăn cũng như sự nỗ lực và những thành tựu đã đạt được của BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ông nhấn mạnh truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng đối với đất nước nói chung và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc nói riêng. Trong thời gian tới, Làng sẽ ưu tiên làm công tác truyền thông tốt hơn song song với đó là xây dựng các sản phẩm du lịch tại Làng, làm tốt các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan nhằm thực hiện đúng mục tiêu Quyết định số 667/TTg ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: “Xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em,...”

Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng VHDL các DTVN, Phó Trưởng ban Thường trực phát biểu tại Tọa đàm
Cuộc Tọa đàm này là hoạt động có ý nghĩa và thiết thực, là dịp để các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý di sản văn hóa trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề về vai trò, đóng góp quan trọng của công tác truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Bởi vì, truyền thông đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa trong đời sống xã hội. Có thể nói, đây là một trong những kênh lý luận và thực tiễn hữu ích, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm cơ sở để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển văn hóa nước nhà trong thời gian tới.
Phạm Hương (Ảnh: Hải Yến)